DBiz

Nợ xấu các ngân hàng ra sao?

Thảo Thu
Nợ xấu các ngân hàng ra sao?

Kết quả kinh doanh vừa được loạt ngân hàng công bố cho thấy, song song với việc thu về lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng là diễn biến có phần đáng lo ngại ở chất lượng tín dụng quý III và nửa cuối năm nay của các ngân hàng. Điều này càng trở nên đáng quan tâm trong bối cảnh Thông tư 14/2021 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực từ cuối tháng 6.

Tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng nợ có khả năng mất vốn tăng

Trong loạt ngân hàng sớm công bố báo cáo tài chính quý III, chỉ một số cái tên đã ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng giảm so với hồi đầu năm.

HDBank có tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,65% hồi đầu năm về 1,54%, hay SeABank cũng giảm từ mức 1,65% xuống 1,59%. Một ngân hàng tầm trung khác là BaoVietBank cũng có tỷ lệ nợ xấu giảm từ 4,9% xuống 3,2%, MSB nợ xấu giảm từ 1,74% xuống 1,08%, Eximbank giảm từ 1,96% xuống 1,9%. Techcombank cũng là một trong những đơn vị có tỷ lệ nợ xấu giảm, từ mức 0,66% đầu năm xuống còn 0,65%.

Dù tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của các nhà băng trên đều giảm, song nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tại một số ngân hàng lại tăng.

Tại SeABank, nợ nhóm 5 tăng 11,2%. Nợ nhóm 5 tại HDBank cũng tăng tới 35%. Tỷ lệ tăng này tại Techcombank là 46%, tại MSB là 3%, Eximbank 21%...

Những ngân hàng còn lại gồm ABBank, TPBank, BacABank, Saigonbank, PGBank, LienVietPostBank, Bản Việt, ACB, MB… ghi nhận nợ xấu tăng so với đầu năm. Trong đó, chỉ PGBank có nợ nhóm 5 giảm nhẹ so với cùng kỳ, còn lại tất cả đều tăng.

Trong đó, mức tăng nợ nhóm 5 tại ngày 30/9 so với hồi đầu năm tại TPBank lên tới 124%, ACB 131%, MB 85%, VietBank 99,7%, Saigonbank 43%, LienVietPostBank 35,6%, ABBank 39%... Riêng ACB lần đầu ghi nhận tỷ lệ nợ xấu vượt 1%, kể từ năm 2018.

Nợ nhóm 5 cũng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng nợ xấu của các nhà băng. Tỷ lệ này tại BacABank 83,5%, PGBank 75%, VietBank 74%, VietCapitalBank 68%, Saigonbank 65%, SeABank 66,4%, ABBank 63%, TPBank 46,7%, MB 34%...

Nợ xấu có cải thiện nhưng ở đâu so với ngưỡng an toàn?

Nhưng ít nhất các ngân hàng kể trên nợ xấu vẫn duy trì ở mức 3% - ngưỡng được cho là quan trọng đánh giá chất lượng tài sản ngân hàng.

Còn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, một nhà băng không kiểm soát được nợ xấu dưới mức này sẽ bị giới hạn nhiều hoạt động. Đơn cử, theo quy định tại Thông tư 16/2021, ngân hàng sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp hay theo Thông tư 22/2019, ngân hàng không được cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu cũng như mua, nắm giữ cổ phiếu các ngân hàng khác.

Trong số những nhà băng sớm công bố báo cáo tài chính, các đơn vị có tỷ lệ nợ xấu vượt 3%, gồm BaoVietBank (3,2%), VietBank (4,3%), VPBank (5,01%). Đặc biệt tại NCB, tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt lên 14,7%, tương ứng cứ 100 đồng thì có gần 15 đồng nợ xấu.

Tại VPBank, tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 4,47% hồi đầu năm. Nhà băng này thường xuyên có tỷ lệ nợ xấu vượt 3% trên báo cáo tài chính hợp nhất. Con số này đã bao gồm cả dư nợ của FE Credit. Nếu tính riêng số liệu của ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu của VPBank chỉ là hơn 2%.

Tại BaoVietBank, tính đến hết 30/9, tổng số nợ xấu tại đây giảm 23% so với đầu năm, xuống còn 964 tỷ đồng. Trong đó, các nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn đều lần lượt giảm 62%, 37%, 12% so với đầu năm. Tuy nhiên, dù đã cải thiện so với con số 4,9% hồi đầu năm, nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng vẫn ở trên ngưỡng 3%.

Thời điểm 30/9, tổng nợ xấu của VietBank là 2.486 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi lên 1.841 tỷ đồng.

Nợ xấu các ngân hàng ra sao? - 1

Nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trong quý III (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tính đến hết quý III, tổng dư nợ cho vay khách hàng của NCB tăng 8,4% so với đầu năm lên 45.163 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng hơn 3 lần, nợ nhóm 2 tăng 14 lần, nợ nhóm 5 tăng gần 3 lần. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng gấp 5,3 lần so với cùng kỳ, từ 1.249 tỷ đồng lên 6.648 tỷ đồng. 

Vấn đề đã được dự báo trước

Từ trước đó, giới chuyên gia tài chính ngân hàng từng nhiều lần cảnh báo tác động tồn dư của dịch Covid-19 tới tình hình sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của người vay sẽ gây áp lực lớn tới diễn biến nợ xấu tại các ngân hàng.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, Thông tư 14/2021 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã vô tình khiến bức tranh nợ xấu ngành ngân hàng chưa đúng với thực tế.

Có một số khoản lẽ ra là nợ xấu, nhưng lại được cơ cấu lại vào nợ đủ tiêu chuẩn, vốn là những khoản nợ lành mạnh, được đánh giá có khả năng thu hồi nợ tốt. Điều này không những giúp ngân hàng "né" được nợ xấu, thậm chí còn sinh ra lãi dự thu được hạch toán tạo nên lợi nhuận.

Việc Thông tư 14/2021 hết hiệu lực từ cuối tháng 6, theo các chuyên gia, đã tái hiện thực chất hơn tình hình nợ xấu tại các ngân hàng.

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần AzFin Việt Nam - tổ chức chuyên về tài chính, chỉ ra thêm nguyên nhân khiến nợ xấu tăng trong quý III. Theo ông Phục, giai đoạn 2019-2021 trước đó, nợ xấu đã "tạo đáy". Theo đó, nợ xấu nội bảng giai đoạn này lần lượt đạt 1,6%, 1,7%, 1,5%. "Nợ xấu đang tăng từ mức đáy", ông Phục nói.

Một nguyên nhân khác khiến nợ xấu "nóng" lên là do tình hình kinh tế - chính trị diễn biến xấu, ảnh hưởng đến khả năng kinh doanh cũng như trả nợ của các doanh nghiệp.

Con số nợ xấu tăng, song song đó việc trích lập dự phòng lên mức cao tương ứng. 

Trên báo cáo tài chính, hàng loạt nhà băng đã tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quý III so với cùng kỳ năm trước, có thể kể đến Techcombank, VPBank, BacABank, HDBank, ABB, Eximbank… Một số ngân hàng khác giảm chỉ tiêu này là TPBank, MSB, ACB, SeABank…

Theo ông Phục, việc tăng trích lập dự phòng rủi ro không giúp giảm nợ xấu mà chỉ giúp có thêm "sức đề kháng" cho các nhà băng.

Trong quý III vừa rồi, một số ngân hàng cũng đã tăng trích lập dự phòng làm lợi nhuận có phần "kém sáng". Tại Saigonbank, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng tăng gần gấp đôi lên 20,8 tỷ đồng cũng là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận tăng thấp, ở mức 4%.

Hay giải trình về việc lợi nhuận "bốc hơi" gần 80%, Phó tổng giám đốc ABBank Đỗ Lam Điền nêu trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gấp 3,6 lần cùng kỳ, lên mức 310 tỷ đồng và trích lập hơn 86 tỷ đồng cho quỹ dự phòng chung. Trong quý III, ABBank cũng đã mua lại 400 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt (VAMC).

Ông Đặng Trần Phục lưu ý thêm các ngân hàng có tỷ lệ dự phòng rủi ro thấp có thể sẽ phải tăng trích lập dự phòng trong tương lai, còn các ngân hàng chất lượng với tỷ lệ dự phòng rủi ro cao lại có khả năng tăng lợi nhuận từ việc hoàn nhập dự phòng. Còn theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, ảnh hưởng lớn nhất đến nợ xấu là khả năng ngân hàng có thu hồi được nợ hay không.