Ngân hàng rục rịch báo lãi cả nghìn tỷ đồng: Ai lên, ai xuống?

Thảo Thu

(Dân trí) - Nhiều ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh trước thuế tăng trưởng 2 chữ số. Chiều ngược lại, vẫn có nhà băng lợi nhuận gần như đi ngang. Đặc biệt, có đơn vị báo lãi giảm gần 80% so với cùng kỳ.

Theo thống kê của Dân trí, đến ngày 23/10 đã có khoảng 12 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm nay. Nhiều đơn vị báo số liệu khả quan.

Loạt nhà băng tăng trưởng 2 chữ số

Techcombank đang giữ ngôi vương về lợi nhuận ngành với 20.800 tỷ đồng lãi trước thuế sau 9 tháng đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần, vốn là nguồn thu chính của ngân hàng, đạt 23.740 tỷ đồng, tăng 20,6%.

VPBank đứng ở vị trí thứ 2 với lợi nhuận trước thuế 9 tháng tăng 69%, đạt hơn 19.800 tỷ đồng và thực hiện 67% kế hoạch lợi nhuận năm.

SHB ở vị trí số 3 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước.

Đứng ở vị trí thứ 4 cho đến hiện tại là VIB với 7.800 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 46% so với cùng kỳ. TPBank xếp ở vị trí thứ 5 khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 5.926 tỷ đồng, tăng gần 35% so với cùng kỳ và thực hiện 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Nhìn vào số liệu lợi nhuận trước thuế riêng tháng 9, dẫn đầu vẫn là Techcombank với hơn 6.700 tỷ đồng, tiếp theo là VPBank hơn 4.500 tỷ đồng, SHB 3.258 tỷ đồng, VIB 2.777 tỷ đồng, TPBank 2.138 tỷ đồng. Một số nhà băng quy mô nhỏ cũng báo lãi như Saigonbank, PG Bank...

Một ngân hàng giảm lãi gần 80%

Tuy nhiên, thứ hạng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ còn thay đổi do vẫn còn nhiều đơn vị chưa công bố kết quả kinh doanh, đặc biệt là nhóm Big 4 (4 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn nhất).

Nếu xét về tỷ lệ tăng, VIB dẫn đầu với mức tăng 101% so với cùng kỳ năm trước. Một số đơn vị có mức tăng trưởng 2 chữ số có thể kể đến là Sacombank 86%, SHB 74%, VPBank 67%, MSB 48%, PG Bank 46%... Ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất tính đến thời điểm hiện tại là Techcombank có mức tăng trưởng 21% so với cùng kỳ.

Duy nhất ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ là ABBank với mức giảm lên đến gần 80%, từ mức 408 tỷ đồng quý III/2021 xuống còn 86 tỷ đồng.

Trong quý III, một số chỉ tiêu kinh doanh chịu tác động mạnh từ thị trường như mảng dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư của ABBank đều ghi nhận lỗ. Lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh của ngân hàng cũng giảm gần 95% so với cùng kỳ.

Những cái tên giữ vững phong độ

Từ trước đó, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI đã ước tính lợi nhuận nhóm ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh trong quý III bất chấp lãi suất tăng gây áp lực lên biên lãi thuần (NIM).

Còn tại kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) tiến hành cho thấy 70,4% đến 75,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý IV. Lợi nhuận trước thuế trong năm nay được 88,3% tổ chức tín dụng dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2021.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều đánh giá cho rằng triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng trong giai đoạn tới sẽ gặp khó và có phân hóa cao.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết trong quý III, hoạt động ngành ngân hàng chịu áp lực, NIM có xu hướng giảm do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng cũng như khả năng đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng vào cuối năm nay.

Ông Jens Lottner - Tổng giám đốc Techcombank - cũng thừa nhận trong quý III, biên lãi thuần của ngân hàng giảm. Ngoài ra, tại Techcombank, tỷ lệ CASA đứng đầu toàn ngành ở mức 46,5% nhưng con số này đã giảm nhẹ so với mức 47,5% hồi cuối quý II.

Ngân hàng rục rịch báo lãi cả nghìn tỷ đồng: Ai lên, ai xuống? - 1

Dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm nay và năm 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020-2021 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm nay và năm 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020-2021. Động lực tăng trưởng của các ngân hàng bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng.

Các chuyên gia của công ty chứng khoán này cho rằng để đạt được kế hoạch đặt ra đầu năm, các ngân hàng có thể phải có những giải pháp riêng như cơ cấu lại vốn tín dụng (đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, tăng thu hồi nợ…) và tăng thu ngoài lãi.

Ngoài ra, các chuyên gia kỳ vọng việc tập trung vào bán lẻ sẽ giúp các nhà băng giảm thiểu rủi ro và thị trường bancassurance sẽ là động lực thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng.