Những sếp doanh nghiệp nghìn tỷ đồng xuất thân là nhà giáo
(Dân trí) - Họ từng là giảng viên giảng dạy trong lĩnh vực kinh doanh, xây dựng, ngân hàng.
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT) Trương Gia Bình có lẽ là doanh nhân xuất thân từ nhà giáo nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Trong bản cáo bạch năm 2011 của FPT cho biết, ông Bình sinh năm 1956. Ông nhận bằng cử nhân Toán, Đại học Tổng hợp Lomonosov, CHLB Nga vào năm 1979. Đến năm 1982, ông nhận bằng tiến sĩ Toán Lý. Ông được phong hàm Phó Giáo sư vào năm 1991 tại Việt Nam.
Từ năm 1982 ông Bình công tác tại Viện Cơ học, Viện khoa học Việt Nam. Giai đoạn 1983-1985, ông Bình là nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện toán học Steclov - Viện Hàn lâm khoa học Xô Viết.
Sau khi về nước năm 1985, trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, ông và 12 người khác thành lập FPT vào năm 1988 chuyên kinh doanh về xuất nhập khẩu.
Đến năm 1995, ông Bình là người có công lớn thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) trực thuộc Trường Đại học quốc gia Hà Nội. Ông đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa.
Trong nhiều năm liền, ông Bình là người thầy giáo đặc biệt tại FPT.
Mới đây, tập đoàn công nghệ này công bố kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm với doanh thu 10 tháng đạt 42.465 tỷ đồng và lãi trước thuế 7.689 tỷ đồng, tăng lần lượt 21% và 19% so với cùng kỳ. Lãi ròng cũng tăng 19% lên 5.407 tỷ đồng.
Hiện ông Bình nắm giữ khối tài sản có giá trị khoảng 7.013 tỷ đồng (tính tại ngày 20/11) đến từ cổ phiếu FPT và TPB.
Chủ tịch Công ty chứng khoán VNDirect Phạm Minh Hương
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán: VND) Phạm Minh Hương là nữ tướng nổi tiếng trong ngành tài chính. Trong bản cáo bạch năm 2022, công ty chứng khoán này cho biết bà Hương sinh năm 1966. Điều thú vị là bà vốn xuất thân là Thạc sĩ hệ thống thông tin Đại học Bách khoa Kiev - Liên Xô (cũ).
Năm 1993-1994, bà Hương là chuyên gia đào tạo của Trung tâm đào tạo Học viện Bưu chính Viễn thông. Từ năm 1995 đến năm 2002, bà Hương chuyển hướng sang làm giám đốc kinh doanh tiền tệ và thị trường tài chính - Ngân hàng Citibank. Về sau, bà đảm nhiệm nhiều chức vụ cấp cao trong ngành chứng khoán.
Bà Hương bắt đầu giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VNDirect từ năm 2006. Từ 2010 đến nay, vị nữ doanh nhân luôn giữ chức chủ tịch nhưng không thường xuyên giữ chức tổng giám đốc.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán phục hồi, lợi nhuận kết toán sau thuế đạt hơn 639 tỷ đồng, gấp 15 lần cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế ở mức gần 1.204 tỷ đồng giảm 4,3%.
Hiện bà nắm giữ khối tài sản có giá trị hơn 722 tỷ đồng (tính tại ngày 20/11) đến từ cổ phiếu VND và IPA.
Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã chứng khoán: VCG) Đào Ngọc Thanh là doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực xây dựng.
Thông tin từ bản cáo bạch năm 2020 của Vinaconex cho biết ông Thanh sinh năm 1946. Ông có trình độ chuyên môn là kỹ sư xây dựng.
Từ năm 1971 đến năm 2004, ông giảng dạy tại Trường Đại học Xây dựng. Ông từng là Phó chủ nhiệm rồi sau đó là Chủ nhiệm, Trưởng bộ môn Vật lý.
Từ năm 2004, ông chuyển sang con đường kinh doanh với vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Cotana, Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark.
Ông Thanh bắt đầu là Chủ tịch HĐQT Vinaconex và Công ty TNHH Một thành viên Giáo dục Lý Thái Tổ từ năm 2019 đến nay.
Báo cáo tài chính quý III cho biết 9 tháng đầu năm, Vinaconex đạt hơn 8.915 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế 9 tháng lại chỉ đạt gần 205 tỷ đồng, giảm 78,8% so với năm ngoái.
Công ty giải thích từ đầu năm đến nay, các công ty con, công ty liên doanh, liên kết trong hệ thống bị ảnh hưởng chung bởi khó khăn của kinh tế trong nước dẫn đến kết quả kinh doanh đều bị giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện ông Thanh nắm giữ khối tài sản có giá trị gần 258 tỷ đồng (tính tại ngày 20/11) đến từ cổ phiếu CSC.
Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng DELTA Trần Nhật Thành
Một doanh nhân trong ngành xây dựng khác xuất thân từ nhà giáo là ông Trần Nhật Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng DELTA.
Thông tin từ doanh nghiệp này cho biết ông Thành tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật xây dựng từ Đại học Kharcop, Liên bang Xô Viết năm 1975. Sau khi về nước ông làm giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và từng đảm trách chức vụ Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học Kỹ thuật xây dựng.
Năm 1993, ông là người sáng lập Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng DELTA. Dưới sự lãnh đạo của ông Thành, doanh nghiệp này là đơn vị xây dựng hàng loạt công trình lớn như Keangnam Hanoi Landmark, Lotte Center Hanoi, Bitexco Financial Tower, Royal City.
Nhà sáng lập Ngân hàng ACB Trần Mộng Hùng
Ông Trần Mộng Hùng tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Từ năm 1978 đến 1980, ông là giảng viên của Trường cao cấp Nghiệp vụ Ngân hàng.
Sau đó, ông quyết định rẽ sang con đường kinh doanh khi làm lãnh đạo tại một công ty hóa nhựa, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn.
Năm 1993, ông và một số cổ đông thành lập Ngân hàng TMCP Á Châu (mã chứng khoán: ACB) với vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng.
Ông Trần Mộng Hùng đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc, sau đó là cương vị Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.
Năm 2008, ông rút khỏi vị trí Chủ tịch và quay trở lại vực dậy ngân hàng ACB sau sự việc liên quan đến bầu Kiên. Năm 2018, ông rút lui về vị trí cố vấn. Ông Trần Hùng Huy - con trai ông Trần Mộng Hùng - đảm nhiệm vị trí Chủ tịch từ giai đoạn này.
Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm cho biết, vị doanh nhân này hiện là Phó chủ nhiệm Ủy ban quản lý rủi ro và không nắm giữ cổ phần nào tại ngân hàng này.
Nhà sáng lập trường Fulbright Việt Nam Đàm Bích Thủy
Bà Đàm Bích Thủy nhận bằng cử nhân từ Trường Đại học Hà Nội và MBA từ Trường kinh doanh Wharton, Đại học Pennsylvania, Mỹ. Khởi nghiệp, bà cùng cộng sự sáng lập công ty tư nhân tư vấn đầu tư nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam với các khách hàng như ANZ, Phillip Morris, Coca Cola, IBM và Citibank.
Năm 1993, bà Thủy nhận được học bổng Fulbright theo học cao học ở Mỹ. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp trường Kinh doanh Wharton, bà gia nhập ngân hàng ANZ ở Singapore để hỗ trợ thiết lập và vận hành mảng đầu tư của ngân hàng ANZ ở châu Á.
Tại đây, bà nắm giữ một số vị trí như giám đốc tài chính dự án dầu khí, đứng đầu bộ phận quản lý sử dụng tài nguyên của ANZ cho toàn châu Á, giám đốc phát triển khu vực Đông Nam Á.
Sau đó, bà được bổ nhiệm làm tổng giám đốc ANZ Việt Nam năm 2005, trở thành người Việt Nam đầu tiên lãnh đạo hoạt động của một ngân hàng quốc tế trong nước.
Năm 2014, bà Thủy rời ngành tài chính để tham gia sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam. Tháng 9/2022, bà từ nhiệm vị trí chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam.
Ngày 26/4, bà Đàm Bích Thủy chính thức tham gia vào Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tasco (mã chứng khoán: HUT). Doanh nghiệp này hiện có các ngành nghề kinh doanh gồm hạ tầng giao thông, ô tô, bất động sản, bảo hiểm. VETC hiện cung cấp 80% dịch vụ thu phí ETC giao thông không dừng, kết nối 112 trạm thu phí, 635 làn cao tốc trên toàn quốc.
Tasco cũng đang vận hành, sở hữu 6 dự án BOT lớn tại các tuyến huyết mạch Quốc Lộ 10 Hải Phòng, Mỹ Lộc Nam Định, Quảng Bình, Đông Hưng và Quốc Lộ 39 Thái Bình.