Những doanh nghiệp không "cấp cứu" nổi thì nên để... "chết"

(Dân trí) - Giải thích cho ý của Thống đốc NHNN "không cứu doanh nghiệp bằng mọi giá", Vụ trưởng Nguyễn Viết Mạnh khẳng định, với những doanh nghiệp không thể "cấp cứu" nổi, dứt khoát phải loại khỏi nền kinh tế.

Góp phần tham luận tại Hội nghị “Góp ý đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp” do Bộ Công thương tổ chức sáng 26/7, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đại diện cho phía các nhà băng đáp lại hàng loạt thắc mắc và bức xúc của doanh nghiệp giữ bối cảnh “khan vốn” hiện tại.

Ông Mạnh cho biết, mục tiêu của NHNN là vừa có thể giải quyết được khó khăn trước mắt nhưng phải đảm bảo được sự ổn định lâu dài. Bởi, nếu chỉ giải quyết được những vấn đề trước mắt thì một hai năm sau lại lặp lại kịch bản lạm phát lúc quá cao, lúc thấp, kinh tế tăng trưởng lúc nóng, lúc lạnh.

Theo nhiều nguồn tin, số doanh nghiệp giải thể đã hơn 100.000 đơn vị.
Theo nhiều nguồn tin, số doanh nghiệp giải thể đã hơn 100.000 đơn vị.

Trước đó, trình bày về tình hình “sức khỏe” chung của cộng đồng doanh nghiệp, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phản ánh, đến nay, các doanh nghiệp thiếu tài sản thế chấp trong khi lại không có thị trường đầu ra. 

Phương án dùng hàng tồn kho để làm tài sản thế chấp không được phía ngân hàng chấp nhận do không bán được.

“Tôi vẫn nghe các ngân hàng báo cáo dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tăng nhưng thú thật là trong 10 năm làm việc với những doanh nghiệp này, tôi chưa bao giờ nghe dự nợ tín dụng cụ thể là bao nhiêu. Con số rất chung chung, chỉ nói tăng bao nhiêu phần trăm mà thôi. Nguyên nhân có thể do tiêu chí như thế nào là DNVVN chưa rõ ràng.” – bà Hằng nói.

Đáp lại điều này, ông Mạnh cho hay, tỉ lệ dự nợ tín dụng cho DNVVN đã được NHNN theo dõi. Đến tháng 3, tỉ lệ cho vay với đối tượng này là 33% tương ứng gần 1 triệu tỉ đồng.

Song bà Hằng lại cho biết thêm, “đáng tiếc rằng điều tra của chúng tôi trong nhiều năm vừa qua trên hàng chục ngàn doanh nghiệp cho thấy, hầu hết vốn chỉ chảy vào những doanh nghiệp lớn với những khoản vay rất lớn, còn DNVVN vẫn nằm ngoài ưu đãi”. 

Mặc dù có hệ thống bảo lãnh tín dụng nhưng hiện nay công cụ này không phát huy tác dụng. Vì chưa vay được vốn nên DNVVN vẫn không vào được hệ thống đánh giá tín dụng của ngân hàng.

Tham dự tại Hội nghị, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch HH Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá, những phản ánh về nền kinh tế hiện nay chưa cho thấy hết tính nghiêm trọng của vấn đề.

“Tôi không tin vào con số 55.000 doanh nghiệp đắp chiếu hồi tháng 4/2012 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp”. Theo đó, ông Mại cho biết, theo nhiều nguồn tin, số doanh nghiệp giải thể đã hơn 100.000 đơn vị. 

Do vậy, theo ông, nếu không giải cứu mà vẫn để doanh nghiệp khó khăn như hiện nay thì có cơ may để doanh nghiệp có thể vượt qua được, sang tới 2013.

Giải pháp trước mắt quan trọng nhất là phải cứu được các DN đang bên bờ phá sản, có khả năng phục hồi nếu được Nhà nước ứng cứu. Đối với những doanh nghiệp này, bức thiết không phải là thương hiệu mà trước hết phải là vốn.

“Vốn những năm trước có phần tài trợ của Nhà nước, năm nay không có, tôi thấy rất lạ. Cũng có ý kiến cho rằng Nhà nước nên mở hầu bao thay vì giảm thuế TNDN vì làm gì có lãi đâu mà nộp thuế”. Theo góp ý của ông Mại, Nhà nước không cần mở hầu bao nhiều như năm 2009 nhưng nên cấp vốn cho các doanh nghiệp cần, có khả năng phục hồi nhanh.

Công ty "ma" gây mất lòng tin ngân hàng vào doanh nghiệp

Về tín dụng ngân hàng, theo ông Mại, phía nhà băng không cần thay đổi nhiều mà chỉ cần thay đổi tư duy: phải ý thức cứu doanh nghiệp tức cứu ngân hàng.

Ông Mại tỏ ra không đồng ý với quan điểm của Thống đốc Nguyễn Văn Bình khi cho rằng, ngân hàng không cứu doanh nghiệp bằng mọi giá.

Đến đây, giải thích ý của Thống đốc, ông Nguyễn Viết Mạnh nói: “không cứu doanh nghiệp bằng mọi cách” tức là nếu doanh nghiệp đã chết thì với việc tái cơ cấu, dứt khoát phải loại doanh nghiệp đó ra khỏi nền kinh tế, - thà để dành vốn đó cứu các doanh nghiệp khác. Nói không cứu bằng mọi giá không phải là ngành ngân hàng vô cảm đến mức độ như thế.

Đại diện NHNN cũng nhắc lại quan điểm, có những doanh nghiệp cứu được nhưng cũng còn nhiều trường hợp “nếu nhận cấp cứu cũng không cứu nổi”. 
Cụ thể, có doanh nghiệp quản trị kém, đi nhầm lĩnh vực, vốn hoàn toàn dựa vào ngân hàng, thâm chí có những doanh nghiệp được lập ra để lừa đảo. Có trường hợp thì một doanh nghiệp đứng ra lập 3-4 doanh nghiệp khác, thực hiện hoạt động lừa đảo, bán hóa đơn rồi biến mất đột ngột. 

Những tồn tại này gây mất lòng tin giữa các doanh nghiệp với nhau cũng như mất lòng tin giữa ngân hàng vào doanh nghiệp. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên khi rót vốn vào đầu tư, dĩ nhiên phải cân nhắc – ông Mạnh giãi bày.

Theo đó, ông Mạnh cho biết, có thể là trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp rất bức xúc nhưng trên thực tế ngành ngân hàng đã làm được rất nhiều, mà rõ nhất là ở khâu liên tục hạ lãi suất. 

“Nếu như mấy năm trước, thị trường còn nghi ngờ và còn thiếu niềm tin vào chính sách thì sang năm nay, hễ chính sách nêu ra thì sẽ được thực hiện nhất quán” – ông Mạnh cho hay.

Về những băn khoăn của doanh nghiệp trong chính sách tỉ giá, đại diện NHNN khẳng định, trong năm nay, tỉ giá sẽ chỉ dao động 2-3% và hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp căn cứ vào đó mà tự tạo chủ động cho mình.

Bích Diệp