Lãi vay 15%: Nhà băng không giảm, doanh nghiệp sẽ tố!

Các ngân hàng thương mại phải báo cáo chi tiết và cụ thể số liệu giảm lãi suất, đó sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp phản ánh trực tiếp tới cơ quan quản lý trong trường hợp không được giảm lãi suất cho vay.

Dù chỉ là thêm một mệnh lệnh hành chính, “ràng buộc” của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng về việc phải báo cáo chi tiết và cụ thể số liệu giảm lãi suất, nhưng đó sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp phản ánh trực tiếp tới cơ quan quản lý trong trường hợp không được giảm lãi suất cho vay.
 
Nhà băng không giảm, doanh nghiệp sẽ tố!
Minh họa: ĐAN
Chế tài xử lý ở đâu?

Đây không phải là lần đầu tiên NHNN yêu cầu các TCTD xem xét điều chỉnh LS cho vay đối với các hợp đồng tín dụng cũ. Gần 3 tháng trước đây, vào ngày 24/4, Thống đốc NHNN có văn bản số 2506 yêu cầu các TCTD trên cơ sở kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay và khả năng tài chính của mình, thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay không có khả năng trả nợ đúng hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.
 
Đồng thời, trên cơ sở khả năng tài chính và chính sách khách hàng của mình, TCTD xem xét điều chỉnh giảm LS cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống theo mức LS cho vay hiện hành, đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên, DN nhỏ và vừa. Điểm dễ nhận thấy trong văn bản này là NHNN không chỉ rõ các NHTM phải điều chỉnh LS xuống mức cụ thể nào và thực hiện trong thời gian bao lâu. Văn bản ngày 24/4 của NHNN cũng chỉ yêu cầu các TCTD phản ánh kịp thời các khó khăn, vướng mắc về NHNN để xem xét giải quyết.

Chính với các nội dung trên đây, cho đến thời điểm hiện nay, chưa hề có một báo cáo cụ thể nào được công bố về việc có bao nhiêu khách hàng, bao nhiêu hợp đồng tín dụng và dư nợ cụ thể bao nhiêu được điều chỉnh lãi vay “về mức hiện hành” sau thời điểm 24/4. Không có chế tài ép buộc, các NHTM có thể sẽ không giảm lãi vay ngay với cái cớ chính đáng là khả năng tài chính và chính sách khách hàng không cho phép. Việc điều chỉnh lãi vay có thể sẽ vẫn theo thời hạn được thỏa thuận trong khế ước vay vốn. Nay thì khác. Tổng giám đốc một NHTMCP có hội sở tại Hà Nội cho biết, các NHTM nhận được yêu cầu từ ngày 15/7 phải giảm lãi vay đối với các hợp đồng tín dụng cũ về tối đa 15%/năm. “Hơn nữa, trước thời điểm triển khai 15/7, các NHTM cũng phải báo cáo tới NHNN các văn bản chỉ đạo nội bộ về việc giảm LS cho vay cũng như các số liệu điều chỉnh cụ thể”.
 
Nhìn nhận đây vẫn là một mệnh lệnh hành chính, song người đứng đầu ban điều hành NHTMCP trên cho rằng, mệnh lệnh này được NHNN kiểm soát chặt chẽ về thời gian, số liệu và rất khác so với việc triển khai văn bản 2506 hồi tháng 4/2012. Điều này cũng được nhìn nhận là cơ sở để khách hàng, DN vay vốn phản ánh trực tiếp tới cơ quan NH trung ương trong trường hợp không được giảm lãi vay.
 

Lãi vay 15%: Nhà băng không giảm, doanh nghiệp sẽ tố!  - 2

Việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về 15% có ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng thương mại, song không nhiều.

Thừa khả năng giảm về 15%

Dù có khó khăn, cơ sở để các NH giảm LS về 15% không phải là không chắc chắn. Tổng Giám đốc SHB – ông Nguyễn Văn Lê cho rằng, cơ cấu kỳ hạn huy động nguồn vốn của cả hệ thống hiện nay chủ yếu là 1-3 tháng với thời gian đáo hạn nhanh, trong khi vốn trung - dài hạn chiếm tỉ trọng rất thấp. Do vậy khi NHNN điều chỉnh LS huy động về 9%, bình quân LS đầu vào của hệ thống cũng giảm mạnh nên việc giảm LS đầu ra là bình thường. “Việc NHNN điều chỉnh giảm LS cho vay về 15% có ảnh hưởng đến lợi nhuận của các NHTM song không nhiều và cũng không ảnh hưởng đến chính sách hoạt động của từng NH” - ông Nguyễn Văn Lê nhìn nhận.
 
Khó khăn lớn nhất trong việc đưa lãi suất cho vay về 15% hiện chỉ tập trung ở một số NHTMCP có nhiều món vay nhỏ lẻ. Trong buổi làm việc ngày 13/7 của NHNN chi nhánh Hà Nội, nhiều đánh giá cho rằng, một số NHTMCP có nhiều món cho vay nhỏ, lẻ, cho vay tiêu dùng với mức độ rủi ro cao sẽ khó khăn hơn trong việc rà soát khách hàng để có phương án giảm LS cho vay. Còn theo Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội - bà Nguyễn Thị Mai Sương, các NH trên địa bàn sẽ giảm LS cho vay đối với các khoản vay cũ chưa đến hạn trả nợ xuống dưới 15%/năm ngay trong tháng 7 này.

Dù còn nhiều nghi ngại, đợt điều chỉnh lãi vay về 15% đang thực sự lan rộng với công bố chính thức của nhiều NHTM. Sau VietinBank và Vietcombank và Agribank, BIDV ngay trong ngày 12/7 cũng công bố thực hiện rà soát lại toàn bộ dư nợ các khoản vay đang có mức LS cao hơn 15%/năm và điều chỉnh giảm LS về mức tối đa 15%/năm kể từ ngày 15/7 đối với các khách hàng là DN và hộ dân.
 
Cũng ban hành các văn bản về thực hiện công bố sẽ điều chỉnh LS cho vay tối đa về 15% từ ngày 15/7, Agribank cũng công bố áp dụng LS cho vay tối đa 15% kể từ ngày 15/7. Sự chú ý đang dồn vào động thái của nhóm các NHTMCP nhóm dưới vốn tập trung nhiều khoản vay nhỏ, lẻ và các món vay cá nhân có độ rủi ro cao. Cho đến nay, SHB là nhà băng duy nhất trong nhóm này chính thức công bố điều chỉnh LS đối với tất cả khách hàng.
 

Sẽ xử lý ngân hàng vi phạm

Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM – ông Nguyễn Hoàng Minh được dẫn lời cho rằng, DN nào sau ngày 15/7 đang vay vốn mà vẫn phải chịu LS hơn 15% thì phối hợp với Chi nhánh NHNN để xử lý. Cũng theo ông Minh, NHNN Chi nhánh TPHCM đã yêu cầu tất cả các NH trên địa bàn chậm nhất ngày 15/7 phải hạ LS cho vay xuống dưới 15% và sau thời gian này, NH cố tình vi phạm sẽ bị xử lý.

Lãi vay hiện nay chỉ còn 11-12%

Mức LS cho vay 15% theo yêu cầu của NHNN thực tế còn cao hơn nhiều LS cho vay đối với nhiều nhóm khách hàng hiện nay. Cụ thể, VietinBank sẵn sàng cho DN vay vốn lưu động với lãi suất 12%/năm, thậm chí 11%/năm. BIDV cũng đang áp dụng mức LS 12% đối với chương trình tài trợ chuỗi liên kết “4 nhà”, nhà ở thu nhập thấp và khách hàng vay mua nhà. Vietcombank giảm LS cho vay một số lĩnh vực ưu tiên còn 11-12%.

C.Văn

 
Theo Văn Nguyễn
Lao Động