1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước chính thức được duyệt

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, DNNN được chia làm 3 nhóm: Nhà nước nắm giữ 100% vốn, trên 50% và các đơn vị thua lỗ kéo dài, cần bán vốn.

Chính thức tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (ảnh minh họa).
Chính thức tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (ảnh minh họa).

 
Theo Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, mục tiêu của đề án là để các doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nguyên tắc của quá trình tái cơ cấu là thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính; vốn nhà nước ở công ty cổ phần mà Nhà nước không cần chi phối.

Theo đó, Đề án đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể mà nhiệm vụ đầu tiên là phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có theo 3 nhóm sau: DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ; DN cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và nhóm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục, với mỗi nhóm DN vừa nêu đề án cũng đã đưa ra quyết sách cụ thể.

Bên cạnh đó, tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Trước mắt, trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, viễn thông, xuất bản, xổ số kiến thiết, cấp thoát nước, môi trường đô thị, thủy nông, quản lý và sửa chữa đường bộ, đường sắt, đường thủy...

Ngoài ra, tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ được tiến hành một cách toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm. Tổ chức lại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ.

Ngoài ra, đề án cũng đề cập chi tiết tới một loạt giải pháp để thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước như: Sửa đổi, bổ sung quy định về cổ phần hóa, bán, giao, giải thể, phá sản doanh nghiệp. Chính phủ cũng sẽ ban hành các quy định, hướng dẫn việc thực hiện sắp xếp doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý.

Tập trung việc phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, mua bán nợ để thúc đẩy cổ phần hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và huy động vốn phục vụ tái cơ cấu.

Về phía các doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ yêu cầu trình đề án tái cơ cấu để phê duyệt trong quý 3/2012 và triển khai thực hiện, trong đó rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính; xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020 phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường, khả năng về vốn và năng lực trình độ quản lý…

An Hạ