1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bán vốn Nhà nước:

Những “cú bắt tay ngầm” khiến Nhà nước thất thu hàng chục tỷ USD

(Dân trí) - Cho rằng những chỉ đạo của Thủ tướng trong vấn đề bán vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp là hoàn toàn sáng suốt và đúng đắn, đại diện VAFI cũng nhận định, việc yêu cầu phải niêm yết trước khi bán vốn sẽ giúp Nhà nước tránh thất thu hàng chục tỷ USD từ tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa DNNN.

Một nội dung đáng chú ý trong chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với các bộ ngành mới đây bàn về chủ trương tiếp tục bán vốn tại một số doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lớn đó là “phải thực hiện theo các quy luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản Nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước”.

Riêng tại Habeco và Sabeco là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết, Thủ tướng yêu cầu, để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm có lợi nhất cho nhà nước, phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước.

Ngay cả việc định giá cổ phần các doanh nghiệp này cũng phải khẩn trương tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực, kinh nghiệm, tránh trường hợp định giá không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn Nhà nước. Việc định giá cụ thể dựa trên các quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường và ý kiến đơn vị tư vấn.

Trước đó, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng đã liên tiếp có các văn bản kiến nghị gửi Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng liên quan, lên tiếng mạnh mẽ và quyết liệt, yêu cầu niêm yết và thoái toàn bộ vốn Nhà nước khỏi Habeco và Sabeco sau 9 năm hai đơn vị này thực hiện cổ phần hóa.

Sau gần 1 thập kỷ chờ đợi, giới đầu tư cũng sẽ chứng kiến Sabeco niêm yết trên sàn chứng khoán
Sau gần 1 thập kỷ chờ đợi, giới đầu tư cũng sẽ chứng kiến Sabeco niêm yết trên sàn chứng khoán

Phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch VAFI – người trực tiếp ký các văn bản kiến nghị nói trên:

Có “nhóm lợi ích” thâu tóm doanh nghiệp trong tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa

Thưa ông, chắc hẳn là ông đã nắm được thông tin về các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong vấn đề thoái vốn Nhà nước khỏi một số doanh nghiệp lớn, trong đó có Sabeco, Habeco?

- Tôi đã đọc qua báo chí và thấy rất vui. Chỉ đạo của Thủ tướng là hoàn toàn sáng suốt và đúng đắn. Trước đây, chúng tôi cũng đã từng kiến nghị về những vấn đề này nhưng không được Bộ Công Thương quan tâm, để ý.

Rõ ràng Habeco và Sabeco đã trốn tránh niêm yết trong 9 năm, cuối cùng thì cũng bị Chính phủ yêu cầu niêm yết và bán vốn Nhà nước khỏi doanh nghiệp.

Nhưng tôi nghĩ, có lẽ với tình trạng chậm trễ trong đổi mới doanh nghiệp, cụ thể là việc chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc niêm yết trên sàn chứng khoán, điển hình là Sabeco và Habeco thì Bộ Công Thương cần bị phê bình. Đây là một vấn đề lớn nhưng ngay cả khi chúng tôi gửi đề xuất cách đây 3 tháng, Bộ vẫn không quan tâm đúng mức.

Họ nói phải thoái vốn trước rồi mới niêm yết được, nhưng tôi cho rằng, nếu làm như thế, Nhà nước có thể mất hàng tỷ USD. Cho nên vừa rồi, Chính phủ chỉ đạo phải chống các “nhóm lợi ích” là hoàn toàn đúng. Tôi thấy, may mắn là Thủ tướng dù bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn sát sao những vấn đề này.

Nhà nước có thể mất tới hàng tỷ USD, thưa ông?

- Đúng vậy. Tôi dám chắc rằng, nếu buộc các doanh nghiệp này phải niêm yết xong mới được bán thì Nhà nước thu được hàng tỷ USD. Bởi thực tế chúng tôi đã chứng kiến, có nhóm lợi ích chi phối trong việc thôn tính doanh nghiệp và để gặt hái, mưu cầu làm giàu, bán rẻ tài sản Nhà nước.

Có những doanh nghiệp cổ phần hóa rồi, khi nhóm lợi ích mang danh đối tác chiến lược vào mua và thôn tính hết doanh nghiệp thì kể cả ban quản lý doanh nghiệp xin được niêm yết thì lại bị nhóm lợi ích cản trở, gây khó khăn, không cho niêm yết.

Tất nhiên, với trường hợp Sabeco thì trước khi có thông tin về chỉ đạo của Thủ tướng, cổ phần Sabeco đang trong khoảng 35.000 - 37.000 đồng. Việc công bố thông tin này có thể sẽ giúp đẩy giá tăng lên. Khi “lên sàn”, giá có thể sẽ không còn mức đó nữa mà có thể lên đến 60.000 - 70.000 đồng. Các công ty tư vấn bao giờ cũng định giá theo giá thị trường. Nếu bán trước khi niêm yết có thể giá sẽ rất thấp, thất thoát tài sản nhà nước chính là ở chỗ này.

Chúng tôi băn khoăn tự hỏi, vì sao đã có rất nhiều phân tích, cảnh báo nhưng Bộ Công Thương vẫn muốn bán rồi mới niêm yết? Chủ trương này là rất “bậy”. Tôi nghĩ là không có chuyện họ không biết rằng nếu niêm yết rồi mới bán thì sẽ được giá hơn và có lợi hơn cho Nhà nước. Bán rồi mới niêm yết rõ ràng sẽ gây thất thu tài sản Nhà nước.

Sau niêm yết, thoái vốn sẽ không còn chỗ cho bất tài, tham nhũng

Trong chỉ đạo của Thủ tướng nêu đích danh Sabeco và Habeco phải niêm yết trước khi bán vốn Nhà nước. Liệu có nên nhân rộng cách thức này hay không?

- Phải nhân rộng chứ! Sabeco và Habeco là trường hợp điển hình, nên chúng tôi đề nghị Chính phủ cần “thúc” tất cả những DNNN đã cổ phần hóa đều phải niêm yết trên thị trường chứng khoán và nếu làm được như vậy, Nhà nước sẽ thu thêm được hàng chục tỷ USD từ tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN.

Bởi, giả sử như trường hợp doanh nghiệp bán vốn Nhà nước xong rồi trốn niêm yết, đẩy rủi ro cho nhà đầu tư, ai dám mua cổ phần nữa? Hoặc họ sẽ không mua, hoặc họ chỉ mua với giá rẻ.

Sau khi niêm yết và thoái hết vốn Nhà nước, theo ông, liệu có sự xáo trộn mạnh mẽ trong đội ngũ quản lý tại các doanh nghiệp này?

- Nếu bán hết vốn Nhà nước thì những kẻ bất tài, tham nhũng sẽ không còn chỗ đứng. Cổ đông sẽ không bao giờ chấp nhận để cho những kẻ đó quản lý tiền của họ.

Bán đi thì Nhà nước sẽ lấy được tiền. Chứ không cẩn thận mà giao hàng tỷ USD tài sản của Nhà nước cho những kẻ bất tài, tham nhũng quản lý thì Nhà nước không những mất hết vốn mà thậm chí còn bị âm vốn. Đã có những bài học rất “đắt” để lại về việc âm vốn chủ sở hữu tại những doanh nghiệp Nhà nước lớn như Vinashin, Vinalines…

Không những mất vốn Nhà nước, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, nợ nần chồng chất, đe dọa đến tài sản của cả các ngân hàng.

Một vấn đề cũng đang rất được quan tâm là có chuyện các đại gia nhảy vào mua cổ phần DNNN chỉ vì doanh nghiệp đó sở hữu “đất vàng”. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

- Trên thực tế thì bao giờ đất đai (sổ đỏ, quyền sử dụng đất, thuê dài hạn) đều góp phần tạo thành giá trị doanh nghiệp.

Nhưng như trường hợp Sabeco, Habeco thì tôi cho rằng phần đất đai là chuyện nhỏ, vì lợi nhuận của họ đến từ sản xuất bia. Nhà máy bia thì có ở nội thành hay ngoại thành đều không có vấn đề gì. Định giá của những doanh nghiệp này theo phương pháp dòng tiền, tức là tính toán theo nhu cầu mở rộng thị trường, doanh thu… là chủ yếu.

Những doanh nghiệp có đất có thể chuyển hóa thành bất động sản nhà ở, hoặc khách sạn, văn phòng thì phương pháp xác định doanh nghiệp lại theo kiểu khác. Nhưng nói chung, phải tiến hành đấu giá. Và giá đấu còn phụ thuộc vào việc bán trọn lô cổ phần Nhà nước hay chỉ bán một phần cổ phần Nhà nước, các mức giá này sẽ khác nhau.

Trong trường hợp bán trọn lô và nhà đầu tư có quyền điều hành doanh nghiệp thì giá sẽ cao, còn nếu nhà đầu tư chỉ mua được cổ phần thiểu số và Nhà nước vẫn chi phối, điều hành thì giá sẽ thấp hơn, thậm chí không bán được.

Xin cảm ơn ông!

Trao đổi với phóng viên Dân Trí hồi cuối năm 2015 bên hành lang Quốc hội khóa XIII, ông Bùi Đức Thụ, lúc đó là Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đã cảnh báo, khi bán vốn Nhà nước, cần lường trước hiện tượng thao túng giá, bắt tay ngầm.

Ông Thụ cho biết, có trường hợp tại những dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn nhà nước, trái phiếu Chính phủ phải thực hiện theo Luật đấu thầu, nhưng trên thực tế có hiện tượng “thông thầu”. Hay ngay như trong việc tổ chức đấu giá mua sắm các thiết bị vật tư kỹ thuật cho các cơ quan nhà nước, mặc dù cũng đấu giá công khai rộng rãi nhưng trên thực tế vẫn có “quân xanh quân đỏ” thông thầu, liên kết với nhau.

"Do vậy tôi lưu ý phải bán trong điều kiện thị trường cạnh tranh hoàn hảo, phải đánh giá đầy đủ về tính kế thừa sau khi đấu giá. Việc bán cổ phần phải minh bạch, công khai và nếu cần có thể mới báo chí và bên thứ 3 giám sát. Qua đó có thể ngăn chặn được tình trạng thông thầu, bắt tay nhau liên kết, gìm giá để thao túng", ông Bùi Đức Thụ cho hay.

Lý giải về tình trạng tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa diễn ra chậm chạp trong thời gian gần đây, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, hiện đang có một số bộ, ngành vẫn còn tư tưởng muốn nắm giữ tỷ lệ lớn chi phối doanh nghiệp. Chẳng hạn như với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), hiện nay, Bộ Xây dựng vẫn đang nắm tới 90% vốn tại đơn vị này trong khi một số nhà đầu tư muốn sở hữu tỷ lệ cao hơn. Việc cơ quan chức năng muốn nắm giữ tỷ lệ cao đã làm mất cơ hội cổ phần hóa.

Thực tế cho thấy một trong các nguyên nhân không bán được vốn, không có nhà đầu tư tham gia là do Nhà nước còn nắm tỷ lệ vốn lớn.

Ngoài ra, tiến độ thoái vốn ngoài ngành các khoản đầu tư trước năm 2011 cho đến nay vẫn chậm trễ một phần là do những gì "ngon" đã bán, giờ chỉ còn lại những khoản đầu tư mang tính chất cắt lỗ. Theo kết quả báo cáo, đến cuối năm 2015, hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN tại 5 lĩnh vực nhạy cảm là bất động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư mới chỉ đạt 40% so với yêu cầu.


Bích Diệp (thực hiện)