Nhiều người thu nhập thấp nhưng thích đồ hiệu, biết giả, nhái vẫn mua
(Dân trí) - “Nhiều người mức thu nhập thấp nhưng lại thích dùng hàng hiệu nên biết hàng giả, hàng nhái vẫn mua vì giá rẻ”, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường nói.
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến
Sáng nay (27/8), Bộ Công Thương tổ chức hội nghị phổ biến về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, trong đó lưu ý đến những cam kết quan trọng về vấn đề sở hữu trí tuệ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường cho biết, việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa thực sự thiệu quả. Hầu như chỉ có biện pháp hành chính là được áp dụng chủ yếu.
Đáng lưu ý, hiệu quả biện pháp hành chính cũng còn hạn chế do có nhiều lực lượng tham gia như hải quan, thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường và công an kinh tế, nhưng không xác địn rõ ràng cơ quan nào làm đầu mối và chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan với nhau.
Ông Linh cho biết, từ năm 2006 đến 2016, các toà án nhân dân đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 168 vụ, trong đó có 158 tranh chấp về quyền tác giả, 10 vụ tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp.
Các toà án nhân dân cũng giải quyết 200/235 vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, số lượng các vụ xâm phạm quyền bị xử lý hình sự cũng không nhiều.
Trong khi đó, trên thực tế, ông Linh cho biết: Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Điều này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, làm nản lòng nhà đầu tư.
Thích hàng hiệu “rởm” giá rẻ
Một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp theo ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường, đó là xuất phát từ ý thức của cả người mua lẫn người bán hàng.
“Chúng tôi đã từng đi đến từng hộ, vận động từ chủ hộ tham gia ký cam kết không mua, không kinh doanh hàng hoá vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Họ vẫn ký đấy, nhưng sau một thời gian đâu lại vào đó”, ông Linh nói.
Qua kiểm tra, lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường cho biết nhiều điểm “nóng”, chợ đầu mối bán hàng giả, hàng nhái công khai. Thêm vào đó cũng xuất hiện nhiều phương thức thủ đoạn ngày càng ti vi như nhập nguyên liệu nước ngoài về Việt Nam lắp ráp, giả mạo xuất xứ.
“Nhiều vụ việc nếu cứ xử lý vi phạm hành chính mãi sẽ không đủ sức răn đe. Xử xong sau đó lại bán lại. Chúng tôi kiến nghị cần phải gia tăng xử lý hình sự để tăng tính răn đe đối với những vụ việc vi phạm lớn”, ông Linh đưa ra giải pháp.
Một nguyên nhân khác được ông Linh đề cập tới đó là xuất phát từ chính ý thức của doanh nghiệp chủ thể quyền.
“Vấn đề này chúng ta nên tận dụng, học tập các kinh nghiệm tổ chức quốc tế nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài có cách đi rất bài bản trong việc bảo vệ thương hiệu của mình”, ông Linh nói.
Cụ thể những doanh nghiệp này rất chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc xử lý hàng nhái, hàng giả thương hiệu của họ.
Ông Linh kể, vừa qua cơ quan quản lý thị trường đã phối hợp với một tập đoàn của Pháp để xử lý việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các thương hiệu họ đã sở hữu. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế trong sự chủ động.
“Cán bộ quản lý thị trường khi đi kiểm tra dù biết là giả, là nhái nhưng khó kết luận ngay được. Còn khi có người của hãng đi cùng, sẽ có những bằng chứng xác đáng để đi đến xử lý vi phạm luôn”, ông Linh cho biết.
Ngoài ra theo quan điểm của ông Linh, để giảm thiểu những vụ vi phạm sở hữu trí tuệ thì không thể thiếu sự hợp tác từ chính phía người tiêu dùng.
“Nhiều người mức thu nhập thấp nhưng lại thích dùng hàng hiệu nên biết hàng giả, hàng nhái vẫn mua vì giá rẻ”, ông Linh cho rằng muốn khắc phục được vấn đề này cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động, dù sẽ mất một thời gian rất dài để có thể thay đổi được tâm lý này .
“Phải đẩy mạnh làm sao để thay đổi nhận thức người dân tẩy chay hàng giả, hàng nhái”, ông Linh nhấn mạnh.
Góp ý về vấn đề này, bà Ngyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cho biết, ngoài những trường hợp “thu nhập thấp nhưng thích dùng đồ sang” thì còn rất nhiều người dùng đồ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà không hay biết. “Chính họ cũng bị lừa”, bà Trang nhấn mạnh.
Bàn về giải pháp, bà Trang cho rằng các doanh nghiệp chủ thể quyền và đại diện sở hữu trí tuệ phải thay đổi nhận thức, nhận biết được các quyền mới và tham gia mạnh hơn vào quá trình nội luật hoá.
“Nhiều khi các dự thảo luật được đăng trên cổng mãi không nhận được ý kiến nào, đến lúc thực thi rồi thấy có vấn đề mới lại bắt đầu có ý kiến”, bà Trang nói.
Ngoài ra, bà Trang cũng đồng quan điểm với Tổng cục quản lý thị trường, doanh nghiệp cần chủ động hơn với cơ quan thực thi trong việc phát hiện phát hiện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Tăng cường phổ biến tuyền truyền cho người dân tác hại việc vi phạm quyền sỏ hữu trí tuệ thì cũng cần có sự tham gia doanh nghiệp chủ thể quyền chứ không phải chỉ là việc cơ quan nhà nước”, bà Trang nói.
Nguyễn Mạnh