"Nhiều ngân hàng từng năn nỉ Phương Nam vay vốn"!
(Dân trí) - Giải thích về sai phạm dẫn đến việc Giám đốc Sở Giao dịch chi nhánh Hậu Giang bị bắt, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch LienVietPostBank cho biết vào thời điểm cho vay, Cty Phương Nam được đánh giá là hoạt động rất tốt và nhiều tiềm năng phát triển.
Ông Nguyễn Thanh Phương được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Giao dịch Hậu Giang, thay cho ông Đỗ Hùng Sở vừa bị bắt tạm giam để điều tra các vi phạm trong quá trình cho vay, quản lý tiền vay, nhận và quản lý tài sản bảo đảm tại Công ty CP Chế biến Thực phẩm Phương Nam.
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí về sai phạm của ông Đỗ Hùng Sở, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch LienVietPostBank cho biết: Ngân hàng ủng hộ các cơ quan chính quyền xử lý đúng người, đúng tội, thực hiện nghiêm minh pháp luật. Trong thời gian tới, LienVietPostBank sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan để giải quyết và xử lý nghiêm minh những sai phạm nếu có.
“Giai đoạn đầu hoạt động, Công ty Phương Nam làm ăn rất tốt và có lợi thế về nguồn ngoại tệ. Nhiều ngân hàng phải năn nỉ, chào mời mới được DN này vay vốn”, ông Hưởng nói. Do đó, trong quá trình quan hệ tín dụng với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và các ngân hàng khác, cá nhân ông Lâm Ngọc Khuân (nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Phương Nam) đã cố tình lợi dụng uy tín công ty, dùng một tài sản thế chấp là hàng tồn kho mang đi thế chấp cho nhiều ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng. Sau khi phát hiện sự việc, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã có những biện pháp yêu cầu Công ty Phương Nam bổ sung tài sản bảo đảm và nhờ các cơ quan pháp luật điều tra nhằm làm rõ sự việc.
Tuy nhiên, ông Lâm Ngọc Khuân và con gái là Lâm Ngọc Hân (cũng là thành viên HĐQT Công ty Phương Nam) đã không hợp tác và bỏ trốn ra nước ngoài từ tháng 2/2012. “Việc cố tình lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt do ông Lâm Ngọc Khuân và Công ty Phương Nam thực hiện, nằm ngoài khả năng kiểm soát của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt”, đại diện ngân hàng khẳng định.
Được biết, trong các khoản nợ mà Công ty Phương Nam nợ các ngân hàng có 341 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Sóc Trăng và hơn 328 tỷ đồng của LienVietPostBank Sở giao dịch Hậu Giang. Ba tháng trước, thủy sản Phương Nam được tái cơ cấu với sự đồng thuận của các ngân hàng để hoạt động trở lại. Lúc này, doanh nghiệp xác định hàng tồn kho trên sổ sách trị giá trên 700 tỷ đồng nhưng thực tế hàng trong kho chỉ hơn 260 tấn, tương đương 22 tỷ đồng.
Thông tin từ Phó Chủ tịch LienVietPostBank cho biết: Trong quán trình tiến hành cơ cấu lại khoản nợ xấu của Công ty Phương Nam, ngân hàng này đã bố trí 6 cán bộ trực tiếp tham gia các hoạt động điều hành và kiểm soát rủi ro tại Công ty Phương Nam; trong đó có ông Nguyễn Minh Trí, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt được cử làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Phương Nam. Nhờ đó, hậu quả đã dần dần được khắc phục. “Hiện Công ty Phương Nam đã hoạt động ổn định, các khách hàng đã quay trở lại, kinh doanh đã bắt đầu có lãi và xuất khẩu hàng được hơn 10 triệu USD. Công ty cũng đã xem xét tăng bình quân lương gần 20% cho người lao động. Với tốc độ này, dự kiến trong vòng 3 năm tới, ngân hàng sẽ thu hồi được khoản nợ và hiện tại cũng có vài doanh nghiệp muốn mua lại khoản nợ xấu này”, ông Hưởng cho biết.
Nguyễn Hiền