Nhật Bản: Cho xã hội đen vay vốn, chủ tịch ngân hàng Mizuho mất chức

(Dân trí) - Với việc bị cơ quan quản lý phát hiện cấp nhiều khoản tín dụng cho các băng nhóm tội phạm có tổ chức, chủ tịch ngân hàng lớn thứ hai tại Nhật Bản - Mizuho cùng 29 quan chức cấp cao của ngân hàng này sẽ phải nhận án phạt.

Vụ bê bối lần đầu được cơ quan chức năng Nhật công bố hồi cuối tháng 9 vừa qua. Đây cũng là vụ việc mới nhất liên quan đến mối liên hệ giữa các công ty lớn của nước này với thế giới ngầm.

Mizuho là ngân hàng lớn thứ hai tại Nhật
Mizuho là ngân hàng lớn thứ hai tại Nhật

Mizuho bị phát hiện đã chuyển khoảng 200 triệu Yên, tương đương 2 triệu USD thông qua một công ty con để cho các nhóm tội phạm có tổ chức vay với tổng cộng 230 giao dịch nhỏ, chủ yếu dưới dạng cho vay mua ô tô.

Mizuho ban đầu khẳng định chỉ có các nhân viên giám sát tuân thủ của ngân hàng biết về các khoản vay này. Nhưng sau đó họ đã thừa nhận các lãnh đạo cấp cao nhất, trong đó có CEO kiêm chủ tịch của tập đoàn tài chính Mizuho Financial Group – công ty mẹ của ngân hàng Mizuho - Yasuhiro Sato cũng được báo cáo tại các buổi họp hội đồng quản trị.

Theo tờ Nhật Bản ngày nay, ông Sato sẽ không bị mất chức nhưng không được nhận thù lao trong vòng 6 tháng. Trong khi đó chủ tịch hội đồng quản trị của Mizuho Bank Takashi Tsukamot sẽ từ chức.

Tổng cộng sẽ có 30 lãnh đạo của Mizuho bị trừng phạt. Dự kiến trong thứ Hai tới, ngân hàng này sẽ công bố chính thức các phản ứng của mình trước vụ bê bối trên, tờ Nhật Bản ngày nay cho biết.

Vụ bê bối xảy ra giữa lúc Mizuho đang cố gắng mở rộng hoạt động cho vay ra toàn cầu và tái định vị mình trở thành “ngân hàng lõi của châu Á”.

Tuy vậy các khoản vay trên phần nào cho thấy sự quản lý kém của Mizuho trong quá khứ chứ không gắn với những nỗ lực cải tổ ngân hàng gần đây của ông Sato, nhà phân tích ngành ngân hàng Toyoki Sameshima của công ty chứng khoán BNP Paribas Securities nhận định.

“Vấn đề sẽ khiến ông Sato càng có thêm lý do để thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề của ngân hàng”, Sameshima nói. “Tôi không cho rằng nó sẽ gây tổn hại lớn tới các nỗ lực thay đổi ngân hàng của ông Sato hay vai trò lãnh đạo của ông”.

Mizuho là ngân hàng lớn thứ hai tại Nhật
CEO Yasuhiro Sato cúi chào sau buổi họp báo ngày 3/10 trong đó ông thừa nhận được báo cáo về các khoản cho vay các nhóm tội phạm

Hệ quả của sự đồng sàng dị mộng hậu sáp nhập?

Hồi tháng trước, Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính của Nhật - cơ quan giám sát toàn bộ ngành ngân hàng nước này - đã ra lệnh cho Mizuho phải cải thiện hoạt động kinh doanh sau khi họ không chấm dứt hoạt động cho các băng nhóm xã hội đen vay dù phát hiện ra từ hơn 2 năm trước.

Vụ bê bối, ngoài việc cho thấy “vòi bạch tuộc” sâu rộng của các băng nhóm tội phạm yakuza và thế giới ngầm tại các doanh nghiệp Nhật, cũng phản ánh những lỏng lẻo trong quản lý doanh nghiệp mà bản thân ông Sato gặp nhiều khó khăn trong việc khắc phục.

Mizuho bị xem như đặc biệt dễ tổn thương bởi hoạt động quản trị và tuân thủ kém, bởi 13 năm sau khi ra đời từ sự sáp nhập 3 ngân hàng yếu kém hậu khủng hoảng tài chính tại Nhật, ngân hàng này vẫn như thể 3 ngân hàng trong một cái tên.

Tiền thân của Mizuho là 3 ngân hàng: ngân hàng công nghiệp Nhật Bản, ngân hàng Dai-Ichi Kangyo và ngân hàng Fuji. Những cuộc đấu đá cục bộ kéo dài đã tạo ra một văn hóa bảo vệ “sân nhà” và thờ ơ với trách nhiệm trước các vấn đề, các nhân viên của Mizuho thừa nhận.

Tại Nhật, các cuộc sáp nhập thường để lại những mâu thuẫn giữa các bộ máy cũ và mới, nhưng Mizuho là một trường hợp đặc biệt bởi không ngân hàng nào trong 3 ngân hàng trước sáp nhập thực sự chiếm ưu thế. Các vị trí lãnh đạo cao nhất của Mizuho có sự luân chuyển giữa 3 ngân hàng cũ và không ai để lại dấu ấn thực sự với toàn bộ ngân hàng.

Chính điều này đã khiến họ không thể tạo ra lợi nhuận và cổ tức tương xứng với quy mô khổng lồ của mình. Dù tổng tài sản chỉ nhỏ hơn 25% so với ngân hàng lớn nhất của Nhật - Mitsubishi UFJ Financial Group – giá trị vốn hóa của Mizuho thấp hơn tới 44%, còn lợi nhuận ròng trong quý gần nhất thấp hơn tới 34%.

Còn đối lập hơn nữa khi Mizuho lớn hơn ngân hàng xếp sau là Sumitomo Mitsui Financial Group 16% về tổng tài sản, nhưng lợi nhuận lại thấp hơn gần 30%.

Thanh Tùng
Tổng hợp