Nhập siêu từ Trung Quốc 9 tháng đầu năm tăng “phi mã”
(Dân trí) - Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, nhập siêu 9 tháng đầu năm 2015 của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh, đạt 24,3 tỷ USD, tăng 21,3% về tỷ trọng và tăng 4,3 tỷ USD về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài các mặt hàng Việt Nam luôn nhập nhiều từ Trung Quốc như: máy móc, linh phụ kiện điện thoại, nguyên liệu dệt may, da giày thì gần đây nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng (đồ ăn, rau củ quả…) đã tăng nhanh, chiếm 1/3 tổng giá trị nhập khẩu 11,1 tỷ USD mặt hàng này của cả nước.
Dù đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục tình trạng nhập siêu lớn từ Trung Quốc song nhiều chuyên gia nhận định, do tác động của chính sách phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc từ tháng 7/2015 nên hàng hóa của Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, những tác động Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ vừa qua là một trong những nguyên nhân khiến nhập siêu từ thị trường này tăng thêm. Bên cạnh đó, dự đoán từ nay đến quý IV/2015, nhập khẩu từ thị trường này sẽ tăng do trùng thời điểm cuối năm nhu cầu nhập khẩu cho sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam lớn hơn.
Tình hình nhập siêu từ Trung Quốc đã được báo động từ nhiều năm trước đây. Năm 2014 nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 28,9 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2013. Năm 2015, nhiều chuyên gia dự đoán nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc sẽ đạt khoảng 37,6 tỷ USD. Trong khi đó, con số nhập siêu của 9 tháng đầu năm 2015 đã gần bằng con số nhập siêu của 11 tháng năm 2014 (26,4 tỷ USD). Chính vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định, nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng và vượt dự đoán 37,6 tỷ USD.
Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, kể từ con số nhập siêu 200 triệu USD năm 2001, cho đến năm 2014 là 28,9 tỷ USD, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng tới khoảng 144 lần. Trong khi đó, giai đoạn 2000 - 2013, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ dao động trong khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng tỷ trọng nhập khẩu trung bình đã tăng lên mức 28%. Đây là vấn đề đáng báo động và cần có giải pháp hạn chế phụ thuộc vào thị trường và nguyên liệu từ Trung Quốc trong thời gian tới.
Nguyễn Tuyền