Nhập siêu với Trung Quốc: Tỷ giá chỉ đóng vai trò một phần
(Dân trí) - Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Trung Quốc, nay đồng NDT lại giảm giá thêm, nguy cơ hàng Trung Quốc tiếp tục tràn ngập là hiện hữu. Tuy nhiên, trong quan hệ với Trung Quốc, tỷ giá chỉ đóng góp một phần.
Chỉ trong 3 ngày 11, 12 và 13/8, Trung Quốc phá giá hơn 4,6% đồng nhân dân tệ (NDT). Trước những động thái đó, nhằm đảm bảo linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã nới biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2%.
Đánh giá về hướng điều chỉnh này của Ngân hàng Nhà nước, ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, NHNN năm nay đã điều chỉnh tỷ giá thêm 2% rồi, nên giờ phải dùng đến công cụ biên độ rộng ra.
"Bản chất là để VND linh hoạt hóa hơn, mất giá thêm một ít, và chúng ta có thể hiểu, tỷ giá dịch chuyển theo hướng thêm 1%. Ứng xử của chúng ta như thế là điều dễ hiểu. Điều quan trọng ta xem phản ứng của phần còn lại của thế giới đối với động thái chính sách của Trung Quốc”, ông lý giải.
Tuy nhiên, ông Phước cũng cho rằng: "Trong một rổ tiền tệ tính toán với các đối tác thương mại, đầu tư, vay nợ, NDT chỉ là một đồng tiền của một nước đối tác khác. Do vậy không thể nói Trung Quốc tăng 1% thì ta cũng tăng 1% hay Trung Quốc tăng 3% thì ta cũng phải tăng 3%”.
Theo ông Phước, trong bối cảnh nhập siêu lớn từ Trung Quốc, nay NDT phá giá thêm, hàng Trung Quốc tiếp tục tràn ngập là một lo ngại chính đáng. Tuy nhiên, trong quan hệ với Trung Quốc, tỷ giá chỉ đóng góp một phần chứ không phải quyết định toàn bộ mối quan hệ thương mại.
"Trong một thời gian dài, đồng NDT tăng giá trong khi VND mất giá mà chúng ta vẫn không có thặng dư thương mại đối với Trung Quốc nếu chỉ tiếp cận dưới góc độ tỷ giá hối đoái. Cũng bằng đó thời gian, đồng USD từ năm 2005 khoảng chừng 13-14 nghìn đến nay tăng 50-60% còn NDT tăng giá trên 30%. Do vậy, chỉ riêng yếu tố tỷ giá hối đoái là không thuyết phục. Nó tăng giá 30%, mình mất giá 60%, cộng lại là 90%, tại sao chúng ta vẫn thâm hụt?”, ông Phước nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cho rằng, năm nay Việt Nam có nhập siêu 5-7 tỷ USD thì không phải là vấn đề quá lớn, bởi được bù đắp bởi kiều hối dự kiến 12-14 tỷ USD và cán cân vốn thặng dư. Và nếu dòng vốn rút khỏi Trung Quốc thì một phần sẽ phải hướng đến những nền kinh tế hứa hẹn như Việt Nam.
Theo đó, các chính sách thương mại khôn ngoan là phải sử dụng hàng rào phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật chứ không phải chỉ chực chờ vào tỷ giá hối đoái. Vấn đề thứ hai, cần tạo niềm tin vững chắc trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO, đang đàm phán gia nhập TTP.
Một vấn đề nữa, Việt Nam cần phải làm rất linh hoạt, uyển chuyển và phải làm quen với biến động, thay đổi khó lường của thế giới như việc Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng NDT trong 3 ngày nay.
"Không dám so sánh đồng NDT là một loại virus, nhưng tôi xin được tiếp cận dưới góc độ y học. Nền kinh tế của chúng ta cần tăng sức đề kháng. Muốn tăng sức đề kháng, chúng ta phải thiết lập các nhân tố, yếu tố để kinh tế vĩ mô ổn định. Làm sao sức đề kháng, trước hết phải nằm trong cán cân thanh toán”, ông nói thêm.
Phương Dung