Nhập siêu khủng quay lại, mỗi ngày thâm hụt hơn 750 tỷ đồng

(Dân trí) - Tháng 3 và 3 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam quay trở lại với mức thâm hụt cán cân thương mại gia tăng, khiến nhập siêu ngày càng lớn. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 3 nền kinh tế nhập siêu 1,1 tỷ USD, luỹ kế hết tháng 3, cả nước nhập siêu gần 1,9 tỷ USD.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 3 của nền kinh tế đạt 33,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 16,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 17,4 tỷ USD, thương mại thâm hụt khoảng 1,1 tỷ USD. Mức nhập siêu tháng 2 và tháng 3 cao hơn rất nhiều so với tháng 1/2017, khi hai tháng liên tiếp, mỗi tháng Việt Nam nhập siêu cả tỷ USD.

Nền kinh tế trong Quý I/2017 đã quay trở lại trạng thái nhập siêu, dù năm 2016 Việt Nam có thành tích xuất siêu rất ấn tượng hơn 2,6 tỷ USD.
Nền kinh tế trong Quý I/2017 đã quay trở lại trạng thái nhập siêu, dù năm 2016 Việt Nam có thành tích xuất siêu rất ấn tượng hơn 2,6 tỷ USD.

Chính vì thế, hết 3 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt hơn 89 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 43,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt hơn 45,6 tỷ USD. Nền kinh tế chính thức quay trở lại trạng thái nhập siêu gần 2 tỷ USD trong Quý I/2017. Điều này hoàn toàn trái ngược so với quý I/2016 khi cả nước xuất siêu hơn 800 triệu USD.

Trong khi xuất khẩu chỉ tăng 5,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016, thì nhập khẩu của nền kinh tế trong thời gian tương ứng đã đạt hơn 8,5 tỷ USD, tốc độ tăng cao nhập khẩu cao hơn xuất khẩu là nguyên nhân chính dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại gia tăng.

Đóng góp lớn vào nhập siêu cả nước là khu vực FDI, bởi nếu so sánh xuất khẩu, tháng 3, khu vực FDI chiếm 72% trị giá xuất khẩu cả nước, thì nhập khẩu, khu vực này cũng đóng góp hơn 60% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tính đến hết tháng 3/2017, về giá trị xuất khẩu khu vực FDI đóng góp 72%; tỷ lệ giá trị nhập khẩu, họ cũng chiếm gần 60%.

Minh chứng cho thấy, so sánh mức tăng giá trị xuất nhập khẩu và tổng kim ngạch hết tháng 3 năm 2017 với năm 2016, thấy rõ: Mức tăng giá trị xuất khẩu cả nước đạt 5,8 tỷ USD, thì khu vực FDI có đóng góp 4,3 tỷ USD (74%). Mức tăng giá trị nhập khẩu cả nước sau 1 năm là khoảng 8,5 tỷ USD, khu vực FDI cũng tăng 5 tỷ USD, chiếm gần 60% kim ngạch nhập khẩu. So sánh tổng kim ngạch cũng cho thấy, qua 1 năm tổng giá trị đạt hơn 14,3 tỷ USD, trong đó khu vực FDI cũng đóng góp với 9,3 tỷ USD (hơn 65%) giá trị thương mại.

Những dữ liệu về việc DN FDI nhập khẩu lớn để xuất khẩu từ năm 2017 dường như không đổi so với các nước trước đây. Đây cũng là một phần nguyên nhân chính khiến gia tăng nhập siêu do các DN nước ngoài vẫn phụ thuộc nhập khẩu linh phụ kiện về Việt Nam gia công, rồi xuất khẩu đi nước thứ 3.

Trong khi khu vực FDI nhập khẩu lớn, khu vực doanh nghiệp trong nước luôn duy trì trạng thái nhập siêu, hết 3 tháng, khu vực này nhập siêu tổng thể hơn 6 tỷ USD, góp phần lớn vào gia tăng tổng nhập siêu toàn nền kinh tế.

Trong khi đó, xét về các chủng loại hàng hoá, trong số các mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn, tăng mạnh nhất là nhập mặt hàng rau quả tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước, ô tô nguyên chiếc (dưới 9 chỗ ngồi trở xuống) tăng hơn 169% về lượng và hơn 81% giá trị so với cùng kỳ năm trước, mặt hàng cao su tăng hơn 118% về lượng, sắt thép tăng hơn 45% về giá trị...

An Linh