Xuất khẩu giảm mạnh, tháng 2/2017 Việt Nam nhập siêu "khủng" 1,2 tỷ USD
(Dân trí) - Do nhiều mặt hàng xuất khẩu chiến lược giảm mạnh về lượng và trị giá nên riêng trong tháng 1, Việt Nam ghi nhận nhập siêu cực lớn 1,2 tỷ USD. Con số nhập siêu lớn đã đẩy lo ngại về tình trạng thâm hụt kéo sẽ dài đối với cán cân thương mại Việt Nam do ảnh hưởng của tỷ giá tăng, khi giá trị nhập khẩu cao hơn giá xuất khẩu.
Tổng cục Hải quan vừa công bố tình hình xuất nhập khẩu tháng 2 và 2 tháng đầu năm, đáng chú ý hoạt động thương mại ghi nhận tình trạng thâm hụt thương mại với khoảng 1,2 tỷ USD chỉ riêng trong tháng 2/2017.
Cụ thể, tổng giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu trong tháng 2 năm 2017 ước đạt 27,2 tỷ USD, trong đó, trị giá xuất khẩu là 13 tỷ USD và trị giá nhập khẩu là 14,2 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam trong tháng 2/2017 thâm hụt 1,2 tỷ USD, bằng 9,2% kim ngạch xuất khẩu.
Đáng nói, con số nhập siêu 1,2 tỷ USD là số lớn trong đầu năm 2017 bởi so với các tháng cuối năm 2016, tháng nhập siêu cao nhất cũng chỉ vài trăm triệu USD. Với con số nhập siêu 1,2 tỷ USD trong tháng, trung bình Việt Nam ghi nhận nhập siêu 40 triệu USD/ngày (tương đương 900 tỷ đồng).
Về nguyên nhân khiến tháng 2 nhập khẩu gia tăng dẫn đến nhập siêu tăng mạnh, Tổng cục Hải quan cho rằng do tháng 2 nhiều doanh nghiệp (DN) đã tăng nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất sau Tết Nguyên đán 2017, trong đó nhập khẩu nhiều sản phẩm trọng điểm như máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử, sắt thép và phụ liệu dệt may đều tăng cả lượng và giá trị.
Đặc biệt nhập khẩu sắt thép gia tăng mạnh, riêng trong tháng 2/2017 Việt Nam đã nhập 1,4 triệu tấn, tăng hơn 13% về lượng và giá trị đạt gần 800 triệu USD. 2 tháng đầu năm, cả nước nhập hơn 2,6 triệu tấn sắp thép, tăng hơn 41% về giá trị so với cùng kỳ.
Về xăng dầu, 2 tháng đầu năm Việt Nam nhập gần 1,7 triệu tấn, kim ngạch tăng hơn 80% so với cùng kỳ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tháng 2 nhập siêu lớn. Về nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, ước tính đến hết tháng 2/2017, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày của cả nước là 668 triệu USD, tăng 4,3% so với 2 tháng năm 2016.
Trong khi các sản phẩm xuất khẩu có tăng trưởng nhanh, mạnh về lượng thì lượng và giá trị của nhiều mặt hàng xuất khẩu tháng 2 và 2 tháng đầu năm ghi nhận giảm hoặc tăng rất chậm. Mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao nhất là điện thoại và linh kiện, tháng 2 đạt 2,5 tỷ, tăng chỉ hơn 7% so với tháng trước. Hai tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu hơn 4,8 tỷ USD, tăng rất chậm chỉ hơn 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành dệt may, tháng 2/2017 chứng kiến sự suy giảm giá trị xuất khẩu lớn với 30% về giá so với tháng trước chỉ đạt 1,5 tỷ USD. Giày dép cũng ghi nhận sự giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu trong tháng 2, giảm 13% kim ngạch so với tháng trước. Các phương tiện phụ tùng, vận tải giảm 25%, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cũng ghi nhận giảm 25% so với tháng trước.
Theo nhận định của đại diện Tổng cục Hải quan, việc gia tăng nhập khẩu của Việt Nam do ảnh hưởng của việc điều chỉnh tỷ giá đồng USD cuối năm 2016 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), cũng như tốc độ tiêu dùng, phục hồi chậm của các thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU. Đáng lẽ các DN Việt Nam tận dụng được việc tăng lãi suất này để gia tăng giá trị xuất khẩu, tuy nhiên do năng lực xuất khẩu của các DN Việt Nam hạn chế, nhu cầu nhập khẩu gia tăng nên việc bỏ nhiều tiền hơn để nhập khẩu đã khiến nền kinh tế nhập siêu lớn chỉ trong 1 tháng.
Nguyễn Tuyền