"Sính" đồ ngoại, doanh nghiệp nội nhập siêu 1.500 tỷ đồng mỗi ngày

(Dân trí) - Do xuất khẩu giảm sút, nhập khẩu gia tăng nên khu vực kinh tế trong nước đã nhập siêu gần 2 tỷ USD chỉ riêng trong tháng 1/2017. Giá trị nhập siêu đã gia tăng ngay trong tháng đầu năm 2017.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2017, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước đạt 4,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 6,28 tỷ USD, mức nhập siêu gần 2 tỷ USD, tính ra, trung bình doanh nghiệp nội địa nhập siêu hơn 1.500 tỷ đồng mỗi ngày. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu trong tháng là 10,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 8,5 tỷ USD, xuất siêu hơn 1,8 tỷ USD.

Nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất của DN trong nước gia tăng (ảnh minh hoạ)
Nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất của DN trong nước gia tăng (ảnh minh hoạ)

Đáng nói, nhập siêu khu vực DN trong nước không cải thiện so với tháng trước và cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, trong tháng 12/2016, nhập siêu khu vực doanh nghiệp trong nước đạt 2,2 tỷ USD; tháng 1/2016, nhập siêu khu vực doanh nghiệp trong nước cũng đạt 1,8 tỷ USD. Như vậy, sau một năm, nhập siêu của khu vực DN trong nước đã tăng hơn 100 triệu USD.

Theo con số báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong năm 2016 nhập siêu khu vực DN trong nước đã đạt 21 tỷ USD, trong khi đó, khu vực DN nước ngoài đạt xuất siêu 23,7 tỷ USD. Mức xuất siêu của các DN FDI tăng từ 5 - 7% so với cùng kỳ các năm trước đó, song khu vực trong nước nhập siêu lớn đã kéo giảm đà xuất siêu của cả nền kinh tế trong năm.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nhập siêu khu vực DN trong nước luôn lớn và lấn át DN ngoại là hiện trạng đáng lo của nền kinh tế, nó chỉ ra nhiều vấn đề như: hiệu quả của bài toán đầu tư, lệ thuộc nhập khẩu máy móc, nguyên liệu sản xuất từ các thị trường khác khiến giá trị gia tăng của nền kinh tế giảm sút.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT cho hay: "Nếu so về đầu tư, rõ ràng các DN FDI bỏ suất đầu tư lớn hơn suất đầu tư của DN trong nước. Còn nếu tính về giá trị nhập khẩu/ mỗi thiết bị và phương, giá nhập của các DN FDI thường sẽ lớn hơn so với giá nhập của mỗi DN Việt Nam vì quy mô vốn đầu tư của họ lớn hơn đại bộ phận DN trong nước. Điều này có vẻ khó hiểu"

"Như vậy, câu trả lời ở đây là gì? Đó là nhiều DN trong nước là các DN nhà nước, thích nhập khẩu máy móc có giá lớn hơn thay vì tự sản xuất, chế tạo thiết bị phục vụ sản xuất. Những máy móc, linh phụ kiện nhập cao hơn giá thành thị trường, trong khi hạch toán kinh tế không được chặt chẽ, tiền Nhà nước chi cho nhập máy móc, thiết bị của DN Nhà nước mỗi năm rất lớn, đây là một góc phát sinh thâm hụt thương mại. Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu kém, thị trường không được mở rộng trong khi nhu cầu nhập khẩu cao, khiến các DN này luôn trong trạng thái thâm dụng vốn chi cho đầu tư", TS Hồ nói.

Còn chuyên gia kinh tế Pham Chi Lan nhận định: "Nếu đặt bài toán cân đối ngân sách thu - chi đối với DN tư nhân, rõ ràng nhập siêu thương mại sẽ kéo theo thâm hụt vốn đầu tư và dẫn đến khủng hoảng cán cân thanh khoản của chính DN và hiệu quả đầu tư của DN đó sẽ không bền vững. Không DN tư nhân nào chấp nhận hoặc chịu được khoản lỗ thương mại liên tiếp mấy năm mà không tính đến xuất khẩu để đạt được giá trị gia tăng cao. Rõ ràng trong hạch toán kinh tế ở tầm vi mô - doanh nghiệp, chúng ta đang có vấn đề".

Bà Lan nhấn mạnh thêm, giá trị sản xuất và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nước ngoài hiện đang đóng góp rất lớn, với hơn 60% giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 70% giá trị xuất khẩu. Khu vực này cũng đóng góp làm nhập khẩu trong nước tăng với con số khá lớn.

Tuy nhiên, tính theo chu kỳ mỗi tháng, quý và trong năm, khu vực FDI vẫn xuất siêu, điều này chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn của các DN ngoại tốt hơn DN trong nước. Họ vẫn có giá trị gia tăng, còn các DN trong nước, nhập nhiều, xuất ít, thị trường trong nước lại bị các DN nước ngoài cạnh tranh, đánh bật... Rõ ràng đây là bài toán về hiệu quả kinh tế mà lâu nay chúng ta không coi trọng và cải thiện được.

Nguyễn Tuyền