Nhập ô tô, điện thoại và rau quả làm tăng nguy cơ nền kinh tế nhập siêu

(Dân trí) - Sau hàng loạt mặt hàng được cảnh báo có lượng và trị giá nhập khẩu (NK) lớn năm 2016 là sắt thép, than và nguyên phụ liệu dệt may, mới đây trong báo cáo gửi Chính phủ, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tiếp tục đưa ra những mặt hàng mới đang có tốc độ NK mạnh như: điện thoại di động, ô tô và rau quả.

Cũng chung nhận định này, 2 tháng đầu năm 2017, Bộ Công Thương nhấn cảnh báo cần có giải pháp bền vững để nền kinh tế không quay lại trạng thái nhập siêu lớn những sản phẩm "thành phẩm" của nước ngoài, hoặc những sản phẩm mà trong nước sản xuất được.

Cụ thể, trong báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến hết năm 2016, Việt Nam có khoảng 30 sản phẩm NK trên 1 tỷ USD, tăng thêm 2 mặt hàng so với năm 2015. Trong đó, NK nhóm mặt hàng vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện tăng mạnh cả về quy mô và tốc độ. Hết năm 2016, trị giá NK nhóm này là khoảng 27,8 tỷ USD, tăng hơn 4,75 tỷ USD và 20% so với năm 2015.

Nhập khẩu ô tô dù năm 2016 có giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ nhập khẩu lớn bởi năm 2018, thuế nhập ô tô từ ASEAN sẽ giảm về 0% thay vì 30% như hiện nay (ảnh minh hoạ)
Nhập khẩu ô tô dù năm 2016 có giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ nhập khẩu lớn bởi năm 2018, thuế nhập ô tô từ ASEAN sẽ giảm về 0% thay vì 30% như hiện nay (ảnh minh hoạ)

Năm 2016, tính riêng 19 nhóm hàng nhập khẩu truyền thống, có sự thay đổi về số lượng lớn đã làm gia tăng 6,33 tỷ USD trị giá NK. Các mặt hàng gia tăng NK là máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện tăng 4,75 tỷ USD; máy móc, thiết bị và dụng cụ tăng gần 800 triệu USD, chất dẻo tăng hơn 630 triệu USD và kim loại thường tăng 850 triệu USD. Đáng nói, NK nhóm này phần lớn là các DN FDI chiếm khoảng 25,67 tỷ USD (chiếm 92,3% tổng NK), tăng 21% so với năm 2015.

Ngoài tăng giá trị, nhiều mặt hàng tăng trưởng nhập khẩu nóng về lượng như sắt thép, kim loại thường, xăng dầu và chất dẻo... Trong đó, năm 2016, NK than đá đạt 13 triệu tấn, giá trị gần 1 tỷ USD, tăng 92% về lượng và 69% về trị giá so với năm 2015; NK kim loại thường tăng 26,7%, lúa mỳ tăng 105,2%, xăng dầu tăng 18% và sắt thép tăng hơn 18,4% về lượng.

Cũng năm 2016, chứng kiến sự tăng trưởng của mặt hàng NK xe hơi 9 chỗ ngồi trở xuống, dù mức tăng trưởng này không bằng năm 2015 do chính sách Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được điều chỉnh hạn chế NK xe có dung tích lớn vào Việt Nam, nhưng lại chứng kiến nhập khẩu lượng lớn xe dung tích nhỏ từ các nước trong khu vực ASEAN và Ấn Độ vào Việt Nam. Những mặt hàng này góp phần làm tăng nhập khẩu, nguy cơ cao dẫn đến nhập siêu.

Tổng cục Hải quan dự báo: Năm 2017, kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó đoán định do tác động của nhiều yếu tố như chủ nghĩa dân túy nổi lên ở Mỹ, châu Âu và một số nước khác; Hiệp định TPP chưa được tất cả các nước thành viên phê chuẩn để có hiệu lực; chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có phần được khơi dậy; các vụ điều tra, chống bán phá giá tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Chính vì thế, các ngành, lĩnh vực cần nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, tìm hướng xâm nhập thị trường đa dạng, tuân thủ các quy định luật lệ quốc tế và thông lệ của thương mại hàng hóa trong WTO, chuẩn bị các phương án đối phó để chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mới của các nước lớn.

Trước đó, Bộ Công Thương đã cảnh báo một số mặt hàng có kim ngạch NK gia tăng như ô tô và điện thoại di động, linh phụ kiện và rau quả.

Riêng mặt hàng điện thoại di động và linh kiện NK tăng nhanh do sản xuất trong nước phụ thuộc chủ yếu các doanh nghiệp FDI làm gia công, lắp ráp. Trong khi đó, mặt hàng ô tô nhập khẩu thuần, không tạo giá trị gia tăng và Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ xe hơi.

Theo Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã chi 153 triệu USD để NK gần 9.500 xe ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, tăng 139,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi điện thoại di động tăng 129% và NK rau quả cũng tăng 129,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các mặt hàng trên đã góp phần đẩy NK trong 2 tháng đầu năm tăng 20% so với cùng kỳ, tương ứng giá trị khoảng 27,4 tỷ USD. Cộng hưởng với nhiều mặt hàng có kim ngạch NK cao trong năm 2016 như sắt thép, than đá, xăng dầu và phụ liệu cho dệt may, da giày... đã và đang khiến nền kinh tế quay trở lại trạng thái nhập siêu lớn.

Cụ thể, trong tháng 2/2017 nhập siêu cả nước là hơn 1,2 tỷ USD, kéo tụt thành tích xuất siêu của tháng 1/2017, khiến cả 2 tháng đầu năm, nền kinh tế rơi vào trạng thái nhập siêu lũy kế khoảng 46 triệu USD.

Nguyễn Tuyền