Nhận diện thịt lợn sạch bằng... smartphone

(Dân trí) - Để biết được "lai lịch" của miếng thịt lợn mà mình đang sử dụng như: nơi chăn nuôi, ngày giờ mổ, điểm bán..., người tiêu dùng chỉ cần kiểm tra qua điện thoại thông minh (smartphone) hoặc qua các máy dò được trang bị ngay nơi bán.

Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TPHCM sáng nay 4/8, lãnh đạo Sở Công Thương đã trình bày dự án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn (thịt heo) an toàn. Dự án này nhận được sự "gật gù" của rất nhiều đại biểu.

Đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, công nghệ truy xuất nguồn gốc thịt heo là một phần của dự án “Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm” được UBND TP giao cho Sở thực hiện, giai đoạn 2016 - 2020.

Quy trình nhận diện thịt heo sạch
Quy trình nhận diện thịt heo sạch

Dự án này thực hiện dựa trên sự ứng dụng công nghệ có tên TE-FOOD. Theo đó, mỗi con heo khi nuôi tại chuồng trại sẽ được đeo 2 vòng nhận diện ở chân sau. Những chiếc vòng này được sản xuất theo công nghệ khắc laser tại Malaysia, có khả năng chịu nhiệt, chịu lực cao, chống giả mạo và không thể tháo ra lắp lại. Tổng chi phí để áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc cho một con heo từ “trang trại đến bàn ăn” chỉ có 9.800 đồng.

Heo sau khi được giết mổ sẽ được dán tem đủ tiêu chuẩn. Căn cứ theo tem này, người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc heo từ ngày giờ mổ, nơi mổ, cán bộ kiểm dịch và địa chỉ trại nuôi...


Các đại biểu đánh giá cao dự án truy xuất nguồn gốc heo của Sở Công Thương

Các đại biểu đánh giá cao dự án truy xuất nguồn gốc heo của Sở Công Thương

Các chuyên gia công nghệ thông tin đã lập trình một app (ứng dụng) miễn phí trên điện thoại di động để mọi người có thể tải về và dễ dàng sử dụng mọi lúc mọi nơi. Ứng dụng này sẽ kèm theo bản đồ các điểm phân phối thịt an toàn.

Ngoài ra, chương trình sẽ đặt các thiết bị truy xuất nguồn gốc chuyên dụng tại các chợ để người tiêu dùng có thể kiểm tra miễn phí trong trường hợp không có điện thoại. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn có thể lên trang web của chương trình để kiểm tra thông tin sản phẩm. Thông tin về miếng thịt từ trang trại đến mâm cơm đều được số hóa và có thể lưu trữ từ 5 - 10 năm.

"Dự án này thực hiện nhằm giúp người tiêu dùng phân biệt heo đã kiểm soát và chưa kiểm soát; có thể truy xuất nguồn gốc miếng thịt heo; đâu là điểm bán tin cậy... Sở đã làm việc các trang trại, chợ đầu mối, nhà bán lẻ và đơn vị chuyên về công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu này của người dân. Với ứng dụng này, việc quản lý thị heo qua các công đoạn từ trang trại, giết mổ, chợ đầu mối, bán lẻ, người tiêu dùng sẽ không còn bị cắt khúc mà dễ dàng truy xuất một cách nhanh chóng", đại diện Sở Công Thương TPHCM nói.


Người tiêu dùng sẽ có quyền an tâm khi không phải ăn thịt heo bẩn?

Người tiêu dùng sẽ có quyền an tâm khi không phải ăn thịt heo bẩn?

Theo kế hoạch, tháng 11/2016, Sở Công Thương sẽ triển khai thí điểm dự án trên tại 2 chợ sỉ là chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, 5 chợ lẻ là Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình, An Đông; các chuỗi siêu thị là Co.opmart, Satra Foods, Vissan và Sagrifoods. Đầu năm 2017, Sở Công thương sẽ nhân rộng mô hình này ở tất cả các điểm bán và mở rộng sang các sản phẩm khác như thịt bò, gà, vịt, rau củ quả...

Công Quang