Nhà thầu Trung Quốc quan tâm dự án cao tốc Bắc-Nam: Đại biểu nói "hoàn toàn bình thường"
(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho hay, nếu đòi hỏi họ có kinh nghiệm xây mới đường cao tốc với quy mô tương đương trong 3 năm gần đây thì doanh nghiệp Đức không có khả năng. Với các tiêu chí mời thầu như hiện nay, chỉ doanh nghiệp Trung Quốc mới đáp ứng được.
Trao đổi về thông tin hiện phần lớn nhà thầu nước ngoài quan tâm tới dự án cao tốc Bắc Nam là nhà thầu Trung Quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng nói: "Đấy có thể là một nhận định dựa trên tình hình hiện nay, vì điều đó cũng hoàn toàn bình thường".
Theo ông Kiên, hiện nay, trên thế giới, không nhà thầu nước nào có kinh nghiệm thi công đường cao tốc nhiều như các doanh nghiệp của Trung Quốc. Tốc độ phát triển đường cao tốc của Trung Quốc là rất lớn và các doanh nghiệp có kinh nghiệm tương đối tốt.
"Khi đi làm việc với các doanh nghiệp Cộng hoà Liên bang Đức hồi tháng 4 vừa qua, rất nhiều chuyên gia Đức đều nói rằng, từ 8 năm nay nước Đức không có dự án đường sắt hay đường bộ cao tốc nào mới mà chỉ đại tu và sửa chữa. Do đó, muốn doanh nghiệp Đức tham gia đấu thầu xây dựng dự án đường cao tốc Việt Nam nhưng lại đòi hỏi họ có kinh nghiệm xây mới đường cao tốc với quy mô tương đương trong 3 năm gần đây thì doanh nghiệp Đức không có khả năng. Với các tiêu chí như thế, chỉ doanh nghiệp Trung Quốc mới đáp ứng được", ông Kiên nói.
Để giải quyết câu chuyện đảm bảo năng lực của nhà thầu, ông Kiên cho rằng, ở đây Việt Nam đưa ra hồ sơ tư vấn mời thầu quốc tế và buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải đáp ứng các tiêu chuẩn nếu muốn tham gia đấu thầu.
"Hiện tại, hồ sơ mời thầu của Việt Nam được Deloitte và McKinsey tư vấn. Hồ sơ mời thầu chuẩn quốc tế rồi thì kết quả thế nào chúng ta lựa chọn thế thôi. Với sự góp sức của các tên tuổi hàng đầu thế giới, hồ sơ mời thầu chuẩn quốc tế chính là chìa khóa để Việt Nam chọn lọc được những nhà thầu tốt cho dự án trọng điểm quốc gia", ông Kiên nói.
Bên cạnh đó, theo ông Kiên, Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng của Việt Nam cũng đã có những quy định rõ ràng để buộc nhà thầu nước ngoài phải tuân thủ. Khi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài buộc phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
"Dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ nhiều lần, lỗi ở đây thuộc về phía Việt Nam. Do là dự án đầu tiên, Việt Nam chưa có kinh nghiệm đấu thầu. Hồ sơ mời thầu của chúng ta đưa ra thiết kế về mặt kỹ thuật thay vì thiết kế bản vẽ thi công nên tạo ra những sai lệch rất lớn. Đó là sự yếu kém về mặt quản lý Nhà nước của phía Việt Nam và mình phải chịu", ông nhấn mạnh.
Ông Kiên cũng cho rằng, giống các nhà thầu quốc tế khác, nhà thầu Trung Quốc, nhà thầu Đức hay bất cứ nhà thầu của nước nào cũng phải bảo hành công trình theo luật. "Không phải người ta là nhà thầu Trung Quốc mà mình bắt người ta bảo hành 36 tháng còn nhà thầu Đức bảo hành 24 tháng. Đã áp dụng theo luật thì tất cả đều giống nhau hết", ông nói thêm.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, dài 654 km, tổng kinh phí 118.716 tỷ đồng (gồm 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách), được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư), loại hợp đồng BOT: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hiện đã yêu cầu các ban quản lý dự án: 2, 6, 7, 85, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh tiến hành mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư của 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP.
Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, việc lựa chọn nhà đầu tư phải áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế theo 2 giai đoạn sơ tuyển và đấu thầu. Trong đó, giai đoạn sơ tuyển quốc tế (thực hiện trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt) sẽ đánh giá năng lực, kinh nghiệm để lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư đủ điều kiện và có điểm đánh giá cao nhất vào vòng đấu thầu.
Trao đổi với báo chí trước đó, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về vốn, kinh nghiệm sẽ giúp dự án đường cao tốc Bắc - Nam tránh được "vết xe đổ" của dự án mở rộng QL1 trước đây nhưng đồng thời lại "thu hẹp" cửa cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, theo ông Long, doanh nghiệp trong nước muốn tham gia nhưng năng lực tài chính yếu thì có thể liên danh, liên kết với nước ngoài.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì tỏ ra lo ngại về vấn đề nhà thầu Trung Quốc. "Tôi sợ rằng nếu nhà thầu Trung Quốc trúng thầu 8 dự án thành phần thì sẽ có 8 dự án kéo dài như dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Rồi tôi sợ bây giờ họ bỏ để trúng thầu có thể là 1 nhưng rồi đến khi làm lại đắt gấp 2, gấp 3", bà Lan bày tỏ.
Phương Dung