1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhà máy giấy tỷ đô "nói dóc" chuyện không sử dụng xút

Lãnh đạo Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường ĐH.Cần Thơ) cho rằng việc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam cam kết không hề sử dụng xút trong quá trình sản xuất giấy là "nói dóc" và là “chiêu trò đánh lừa dư luận” của phía nhà đầu tư Trung Quốc.

Chiều 24.6, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường ĐH.Cần Thơ) bày tỏ quan điểm về vấn đề Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam cam kết không hề sử dụng xút trong quá trình sản xuất giấy. Ông Tuấn cho rằng đó là “nói dóc” bởi ĐBSCL không có nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất giấy nên nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập từ những thứ đã sử dụng rồi về tái chế, tẩy trắng lại.

“Có giấy nào được tẩy trắng mà không sử dụng xút và cũng không có công nghệ tẩy nào trên thế giới mà không sử dụng xút cả. Nếu công ty nói không sử dụng xút thì phải công khai các hoá chất khác, còn nếu không công khai được thì là không minh bạch, có sự lập lờ” - ông Tuấn nói.


Dự án nhà máy giấy Lee & Man sắp đi vào hoạt động, khiến dư luận băn khoăn về nguồn nước sông Hậu bị ô nhiễm.

Dự án nhà máy giấy Lee & Man sắp đi vào hoạt động, khiến dư luận băn khoăn về nguồn nước sông Hậu bị ô nhiễm.

Cũng theo ông Tuấn, công ty cho rằng không sử dụng xút trong quá trình sản xuất nhưng không có nghĩa là toàn bộ quy trình, nguyên chuỗi (từ khi nhập đến khi thành phẩm, kể cả xử lý nước thải) là không sử dụng. Ngoài ra, công ty chỉ cam kết giai đoạn đầu không sử dụng xút nhưng giai đoạn sau thì họ có thể sử dụng. “Đây có thể là chiêu đánh lừa dư luận” - ông Tuấn phân tích.

Trước đó, ngày 23/6, trong cuộc họp báo do Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam tổ chức, sau khi lãnh đạo công ty này thông tin không sử dụng xút trong giai đoạn sản xuất, các phóng viên báo chí đã đặt nhiều câu hỏi nghi vấn là sử dụng hoá chất gì để tẩy trắng thay thế xút, tính chất của nó ra sao và liều lượng sử dụng như thế nào thì phía công ty nói “chưa trả lời được vì không… nhớ”.

Theo giải trình của UBND tỉnh Hậu Giang gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây nêu rõ: “Theo báo cáo, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam cam kết trong giai đoạn sản xuất giấy không sử dụng xút nhưng có sử dụng trong xử lý nước thải với liều lượng cao nhất khoảng 1 tấn/ngày”.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết thêm: Vấn đề đặt ra hiện nay là nước thải và nguồn nguyên liệu.

Thạc sĩ Thiện cho rằng, nếu không xử lý tốt nước thải từ dự án Nhà máy giấy Lee & Man thì ảnh hưởng của nó sẽ lớn hơn nhiều so với vụ cá chết tại miền Trung vừa qua.

Còn về nguyên liệu, ông Thiện khẳng định: “Nếu nhập phế liệu thì phải sử dụng hoá chất nhiều để xử lý và môi trường sẽ ảnh hưởng nhiều hơn”.

Mặt khác, chiều cùng ngày, thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết: công văn đề xuất với Quốc hội và Chính phủ đánh giá lại tác động môi trường của Dự án nhà máy giấy Lee & Man vẫn chưa có phản hồi.

“Phía công ty nói sử dụng 20.000m3 nước/ngày để sản xuất giấy. Vậy, phải có bao nhiêu lượng nước đi ra sông Hậu cùng với các loại hoá chất độc hại nếu không có biện pháp xử lý và giám sát tốt. Để tránh thảm hoạ môi trường nơi vốn đang bị tác động, ảnh hưởng mạnh bởi biến đổi khí hậu, dự án trên cần được quan tâm hết sức kỹ lưỡng trước khi đi vào vận hành” - ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP tỏ ra lo ngại.

Dự án nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kong - Trung Quốc) được xây dựng trong cụm công nghiệp tập trung ở tỉnh Hậu Giang (nằm cạnh sông Hậu) và có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD.

Dự án được khởi công vào năm 2007 nhưng gặp nhiều khó khăn phải đình trệ. Đến năm 2014 mới khởi động lại và dự kiến tháng 8 tới sẽ đi vào hoạt động.

Theo Huỳnh Xây
Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm