Lo nhà máy giấy tỷ đô của Trung Quốc "bức tử" sông Hậu

(Dân trí) - Vasep vừa có công văn gửi Quốc hội và Chính phủ kiến nghị rà soát công nghệ xử lý nước thải và công tác giám sát môi trường nhà máy sản xuất giấy Lee&Man do lo ngại ảnh hưởng tới môi trường.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) cho biết, người dân và các doanh nghiệp thủy sản tại ĐBSCL lại hoang mang trước thông tin dự án xây dựng nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam thuộc Tập đoàn Lee&Man Hongkong – Trung Quốc sắp đi vào hoạt động ở cặp bờ sông Hậu (hạ nguồn Mekong).

Nhà máy giấy này có quy mô lớn nhất Việt Nam và là 1 trong 5 nhà máy lớn nhất trên thế giới. Được biết, công nghiệp giấy chủ yếu xả thải xút (NaOH) là nhiều nhất, đứng hàng thứ hai sau cyanuya, thạch tín. Hiện khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn.

Theo Vasep, dự án này chuyên sản xuất, gia công, mua bán các loại giấy, bao bì bột giấy và sản phẩm từ giấy, diện tích sử dụng là 200ha, nay đã giảm xuống còn khoảng 82,8ha. Trong đó, khoảng 41ha hoạt động sản xuất giấy, còn lại dành cho sản xuất bột giấy. Tháng 3/2015, dự án Nhà máy giấy Lee &Man Việt Nam đã chính thức khởi công và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 8/2016. Khi đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là thải ra khoảng 28.500 tấn xút (NaOH)/năm xuống sông Hậu.

Trước đó, từ năm 2007, sau khi biết thông tin dự án xây dựng nhà máy giấy và bột giấy Lee&Man đang xin cấp phép thành lập tại Cụm công nghiệp Nam Sông Hậu, Vasep đã gửi văn bản báo cáo tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đề nghị Bộ có ý kiến với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan về việc này.

"Các doanh nghiệp thủy sản rất lo ngại vì dự án này có thể hủy hoại nguồn lợi thủy sản vùng ĐBSCL", Vasep cho biết.

Cũng theo Vasep, sau khi nhận được kiến nghị của Vasep và được sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ngày 6/9/2007, Cục Lâm Nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã có công văn trả lời về vụ việc trên. Trong đó Cục nêu rõ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” thì không quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang và theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010 - tầm nhìn 2020 cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại ĐBSCL.

Tuy nhiên, Vasep cho biết, nhà máy này được đặt ở vùng trũng nhất khu vực nên rất khó rửa trôi một khối lượng xút lớn (để sản xuất 1 tấn giấy hoặc bột giấy cần 50kg xút làm chất tẩy). Vì vậy nếu lượng xút này đổ ra sông Hậu và biển thì sẽ hủy hoại nguồn lợi thủy sản ở sông và biển, đồng thời ảnh hưởng lớn tới việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL. Cục Lâm nghiệp đã đề nghị Bộ NN&PTNT báo cáo với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết vụ việc trên.

Vasep cũng nhắc lại vụ việc cách đây không lâu, vụ cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã và đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất thủy sản của ngư dân nói riêng, đến các sức ép ngày càng lớn từ thị trường nhập khẩu nói chung mà ngành thủy sản và các doanh nghiệp hải sản khu vực miền Trung đang phải nỗ lực từng ngày để vượt qua.

"Chưa bớt hoang mang, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lại tiếp tục lo lắng về dự án nhà máy giấy xả xút công suất khủng đang “bức tử” dòng sông Hậu. Đây quả thực là một vấn đề đáng lo ngại cho vùng sản xuất thủy sản trọng điểm của cả nước – ĐBSCL, khu vực chiếm trên 70% diện tích thủy sản, 40% sản lượng nuôi trồng và 60% sản lượng xuất khẩu của cả nước", Vasep cho hay.

Do lo ngại về những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường nuôi trồng thủy sản, hoạt động sản xuất xuất khẩu thủy sản, Vasep đã gửi công văn tới Quốc hội và Chính phủ khẩn cấp chỉ đạo việc kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee&ManViệt Nam và chỉ đạo, yêu cầu đầy đủ và đồng bộ hoạt động giám sát xả thải của nhà máy Lee&Man bao gồm cả đầu tư thiết bị, cơ chế giám sát và thực thi.

Phương Dung