Bộ Giao thông Vận tải cam kết “đóng cửa” trạm BOT nếu thu phí gian lận!

(Dân trí) - Nêu quan điểm về việc thực hiện các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định: “Từ nay về sau, đầu tư dự án BOT để cho dân có sự lựa chọn, BOT không phải là độc đạo”. Đối với nhà đầu tư BOT gian lận trong thu phí, giải pháp của Bộ GTVT là sẽ “đóng cửa” trạm, dừng thu phí vĩnh viễn.

Tại cuộc họp báo quý III/2016 Bộ Giao thông vận tải (GTVT), vấn đề liên quan đến các dự an BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), gian lận trong thu phí cũng như việc giám sát dự án BOT đã được đặt ra.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Quốc hội vừa thông qua chương trình giám sát Quốc hội với các dự án BOT. Đây là chương trình lớn. Kể từ năm 2016, Quốc hội sẽ giám sát tất cả các trạm BOT.

“Chúng ta tin tưởng việc giám sát của Quốc hội gắn với Hội đồng Nhân dân tỉnh sẽ tránh sai sót trong thời gian tới. Từ khâu thiết kế, dự toán, giám sát đều có cơ quan Nhà nước làm. Dự án BOT cần có điều chỉnh, từ nay về sau đầu tư dự án BOT sao cho có sự lựa chọn cho người dân, không phải là độc đạo” - Thứ trưởng Trường cho hay.

Đối với việc giám sát thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sau khi bị phát hiện có gian lận, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, đây là trạm duy nhất trên cả nước bán vé tháng nên lượng xe đi qua nhân thành tiền sẽ khác xa (các trạm khác chỉ thu phí theo lượt, theo ngày - PV).

Trạm thu phí trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ bị phát hiện gian lận
Trạm thu phí trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ bị phát hiện gian lận

Để tránh những gian lận trong thu phí, ngoài các giải pháp giám sát, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ tuyệt đối không được bán vé bằng tay, trong trường hợp ách tắc giao thông thì phải mở cửa cho xe qua trạm và không được thu phí, nếu không thực hiện thì có thể bị phạt tới 100 triệu đồng.

Theo Thứ trưởng Trường, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục theo dõi đánh giá, kiểm soát việc thu phí. Với hình thức thu phí 1 dừng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có thể can thiệp vào phần mềm này, bất cứ lúc nào cũng có thể biết được số xe qua trạm là bao nhiêu. Tiến tới, trạm này phải đạt 60 - 70% cửa vé tự động để minh bạch hơn và giảm ùn tắc.

Đặc biệt, Bộ GTVT đưa ra 3 giải pháp mạnh tay để chấn chỉnh hoạt động thu phí. Đây được xem là động thái cứng rắn của Bộ này.

“Nếu có gian lận trong thu phí, Bộ GTVT sẽ áp dụng 3 giải pháp: Yêu cầu nhà đầu tư hoàn lại số tiền sai lệch gấp 3 lần. Nặng hơn, sẽ dừng toàn bộ kíp thu phí và đưa lực lượng thu phí của nhà nước vào thay thế. Cuối cùng, sẽ dừng thụ phí vĩnh viễn, triển khai giải pháp khác để rõ ràng, minh bạch hơn” - Thứ trưởng Trường khẳng định.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng lý giải thêm về dự án BOT xuất phát từ chủ trương đầu tư quy mô và cách thức như thế nào để xây dựng suất đầu tư và tổng mức đầu tư. Trong tổng mức đầu tư sẽ có 2 khoản dự phòng, gồm: Dự phòng trượt giá, dự kiến khoảng 12 - 18%; dự phòng vốn vay, tỷ lệ vốn vay.

Được biết, dự án BOT có mức dự phòng thấp nhất là 500 tỷ đồng và cao có thể lên đến 2000 tỷ đồng.Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, các dự án BOT đều phải vay vốn ngân hàng và lãi suất vay ngân hàng rất ổn định nên không sử dụng dự phòng. Từ đó, tiền dự toán thấp hơn rất nhiều so với tổng mức đầu tư.

“Sau khi xây lắp xong thì tiến hành quyết toán, lúc đó mới tính được giá trị đích thực của dự án là bao nhiêu, lấy giá trị này chia cho mức thu phí thì sẽ ra được năm thu phí. Ngoài ra, khi lưu lượng xe biến động trên dưới 5% thì nhà đầu tư sẽ tính toán lại. Ví dụ tăng 5% thì thời gian thu phí sẽ ngắn hơn, giảm 5% thì thời gian thu phí sẽ nhiều lên” - Thứ trưởng Trường cho biết thêm.

Châu Như Quỳnh