Nhà chồng Hà Tăng "hốt bạc", nữ đại gia "nổi như cồn" vì khủng hoảng nước sạch
(Dân trí) - Trong cơn cuộc khủng hoảng nước tại Hà Nội vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Mai đang được quan tâm với tư cách là một trong hai cổ đông lớn nhất tại Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) với tỷ lệ nắm giữ lên tới 35,95%. Trong khi đó, cổ phiếu của nhà chồng Hà Tăng tiếp tục “hốt bạc”.
Nữ đại gia “đáng gờm” nắm loạt công ty cấp nước
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai đang được quan tâm với tư cách là một trong hai cổ đông lớn nhất tại Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) với tỷ lệ nắm giữ lên tới 35,95%.
Tuy nhiên, ngoài Viwasupco, Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) của bà Thanh đang trong đà tăng phiên thứ 3 liên tục. REE đang đầu tư 558 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần B.O.O Nước Thủ Đức (nắm 42,07%); 150 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nước sạch Sài Gòn (nắm 40%); 240 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Đầu tư Nước Tân Hiệp (nắm 32%); 109 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè (nắm 20,02%); 95% tỷ đồng tại Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định (nắm 20,05%) và 85 tỷ đồng tay Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức (tương ứng nắm 44,17%).
Nửa đầu năm 2019 này, REE có thêm khoản đầu tư 121,9 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Cung cấp Nước Khánh Hoà và chiếm tỷ lệ 24,85% vốn điều lệ công ty này.
Công ty nhà chồng Hà Tăng “hốt bạc” vì hàng không
Cổ phiếu SAS của nhà chồng Hà Tăng đã có 7 phiên liên tục không tăng giá, 6 phiên trong số đó giảm, duy có phiên 23/10 là đứng tham chiếu.
Tuy nhiên, Sasco vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2019 với doanh thu thuận tăng 12% lên 681 tỷ đồng. Trong đó, với lợi thế của “ông vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn, nguồn thu từ hàng hoá tại cửa hàng miễn thuế chiếm đến 44% cơ cấu doanh thu của Sasco trong kỳ. Lãi sau thuế tăng 30,5% lên hơn 65 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Sasco đạt 2.113 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 322,5 tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ 9 tháng năm 2018.
Đại gia Trịnh Văn Quyết tiếp tục “giàu to”
Phiên giao dịch ngày 21/10, FLC của ông Trịnh Văn Quyết tăng trần phiên thứ 6 liên tiếp lên 4.950 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh 9,55 triệu đơn vị, ngoài ra tại mã này còn dư mua giá trần tới 12,9 triệu đơn vị, không hề có dư bán.
Các phiên trước FLC đều có giao dịch “khủng” với khối lượng giao dịch cao bật lên hẳn so với mặt bằng thị trường. Đáng chú ý, phiên 16/10, mã này được giao dịch hơn 30 triệu cổ phiếu, phiên 17/10 giao dịch gần 21 triệu cổ phiếu và phiên 18/10 giao dịch 16,7 triệu cổ phiếu.
Phát ngôn đáng chú ý từ “ông chủ” Nước sạch Sông Đà
Trong ngày 22/10, nhóm cổ phiếu liên quan đến Công ty Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đồng loạt giảm. Trong đó, VCW của Viwasupco lao dốc mạnh, mất tới 2.800 đồng tương ứng 7,8%. REE của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh cũng đánh mất 0,14% còn 36.650 đồng.
Chủ tịch GELEX Nguyễn Văn Tuấn - cổ đông chi phối Nước sạch Sông Đà
Sau gần 2 tuần diễn ra khủng hoảng nước sạch do VCW cung cấp cho khu vực tây nam Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT GEX, cổ đông lớn nhất của VCW - lần đầu tiên đã lên tiếng trên truyền thông.
Ông Tuấn khẳng định với báo chí rằng “sai đâu nhận đó, thiệt hại đến đâu đền bù đến đó chứ không trốn tránh”. Theo ông Tuấn, vấn đề ở đây là phải đồng hành cùng doanh nghiệp tập trung lo cho dân có nước chứ không phải "ngồi soi xem ai làm gì ở đâu".
Ông Tuấn cũng phát ngôn rằng: “Việc xin lỗi là rất nhỏ thôi, xin lỗi không thì dễ quá ai chẳng làm được. Còn chúng tôi, sau khi xử lý nước sạch trở lại xong, chúng tôi không những xin lỗi mà còn xin chịu trách nhiệm. Tôi cam kết sẽ phối hợp cùng các đơn vị phân phối nước để làm các việc tốt nhất cho người dân”.
Đại gia Nhượng Tống “trả giá” cực đắt vì “sự cố” với YouTube
Phiên giao dịch ngày 22/10, YEG của đại gia Nguyễn Ảnh Nhượng Tống giảm sàn, mất 4.200 đồng còn 55.800 đồng/cổ phiếu và sáng ngày 21/10 lại tiếp tục mất thêm 1.900 đồng tương ứng 3,41% còn 53.900 đồng/cổ phiếu.
Không những vậy, chi phí lại tăng mạnh, đặt biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 3 lên 100 tỷ đồng đã khiến công ty này báo lỗ hơn 128 tỷ đồng sau thuế (cùng kỳ có lãi 37 tỷ đồng).
Tron đó, một phần chính nguyên nhân là do tăng chi phí hoạt động mở rộng kinh doanh như chuyển đổi trụ sở chính, tuyển dụng thêm nhân sự và hoạt động kinh doanh một số mảng bị ảnh hưởng sau sự cố YouTube.
Nhóm nhà đầu tư không biết Món Huế lỗ, đã mất liên lạc với ông Huy Nhật
Một nhóm các nhà đầu tư lớn của Công ty Huy Việt Nam vừa tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện ông Huy Nhật - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty này lên Tòa án Nhân dân TP.HCM.
Ngoài ra, còn có các cộng sự, bao gồm bà Ngô Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Điều hành của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế, liên quan đến cáo buộc vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý, các giao dịch bất thường và có thể có yếu tố lừa đảo. Theo đó, ông Huy Nhật đã chiếm dụng một lượng lớn tiền mặt và tài sản.
“Chúng tôi đang cố gắng song chưa thể liên hệ được với ông Huy Nhật. Ông Huy Nhật đã cung cấp cho các nhà đầu tư các báo cáo tài chính cho thấy việc kinh doanh đang tăng trưởng và thu về lợi nhuận”, đại diện nhóm nhà đầu tư thông tin với phóng viên Dân trí.
Thế Hưng