Người Việt sẽ tiêu thụ lên tới 28 lít sữa/năm

(Dân trí) - Dự báo cho thấy mức độ tiêu thụ sữa tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng từ 15 lít trên đầu người năm 2010 lên 28 lít vào năm 2020. Mặc dù vậy, mức tiêu thụ này vẫn còn thấp so với các nước đang phát triển khác.

Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt ngày 28/6/2010: Năm 2015, Việt Nam sản xuất 1,9 tỷ lít sữa tươi, mức tiêu thụ đạt trung bình 21 lít/người/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 90-100 triệu USD; đến năm 2020 sản xuất 2,6 tỷ lít, mức tiêu thụ 27 lít/ người/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 120-130 triệu USD và đến năm 2025 sản xuất 3,4 tỷ lít, mức tiêu thụ 34 lít/người/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 150-200 triệu USD.

Hiện nay mức tiêu thụ sữa ở Việt Nam năm 2015 đã đạt 23 lít/người, năm 2016 đạt 24 lít /người và năm 2017 dự kiến sẽ đạt 26 lít /người.


Mức tiêu thụ sữa của người Việt vẫn còn thấp so với các nước đang phát triển khá (ảnh minh họa).

Mức tiêu thụ sữa của người Việt vẫn còn thấp so với các nước đang phát triển khá (ảnh minh họa).

Tại Hội thảo "Tương lai ngành sữa Việt Nam trước xu thế mới", ông Bùi Trường Thắng, Phó vụ trưởng, Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho biết, với xu thế phát triển hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sữa ngày càng đa dạng. Người dân không chỉ dùng sữa tươi, sữa bột mà còn dùng các loại sữa khác như: sữa chua, sữa tiệt trùng, sữa lên men…

Đánh giá về triển vọng và xu hướng tương lai của ngành sữa và thực phẩm dạng lỏng đóng hộp Việt Nam, ông Robert Graves, Tổng giám đốc Công ty CP Tetra Pak Việt Nam cho biết: Nền kinh tế tại Việt Nam đang phát triển khá nhanh trong khu vực, với mức 6,2% trong năm 2016, từ đó dẫn tới việc thu nhập của người dân tăng. Tuy nhiên mức độ tiêu thụ đồ uống bổ dưỡng tại Việt Nam vẫn còn khá thấp so với các mặt hàng khác trong khu vực.

"Ngành sữa mới xuất hiện tại Việt Nam khoảng hơn 20 năm và hiện còn khá trẻ so với các nước đã và đang phát triển khác. Mức độ tiêu thụ sữa tại Việt Nam vào năm 2010 là 15 lít sữa bình quân đầu người và ước tính con số này sẽ tăng lên 28 lít sữa vào năm 2020. Đây là một bước tiến lớn", ông Robert Graves bình luận.

Dữ liệu tại hội thảo cho thấy, hiện tại, người tiêu dùng Việt Nam ở khu vực nông thôn đã bắt đầu được tiếp cận với sản phẩm sữa an toàn nhờ vào công nghệ tiệt trùng các hãng sữa. Công nghệ này cho phép các sản phẩm sữa được phân phối tới những nơi xa xôi một cách an toàn với chi phí thấp vì không đòi hỏi điều kiện bảo quản lạnh.

Thêm vào đó, những người sinh những năm cuối năm 1980 tới đầu 2000 là thế hệ đầu tiên ở Việt Nam được tiếp cận thường xuyên với sản phẩm sữa. Nhưng khi bước vào giai đoạn trưởng thành, họ bắt đầu tìm kiếm những sản phẩm phù hợp hơn với lối sống năng động của mình. Họ có xu hướng tiêu thụ những sản phẩm đóng gói có lợi cho sức khoẻ, có thiết kế độc đáo, tiện dụng khi di chuyển và thân thiện với môi trường.

Theo thống kê, thế hệ trẻ từ 16 đến 30 tuổi chiếm gần 1/3 dân số. Ngoài ra, chất lượng và an toàn thực phẩm hiện nay là yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết. Xu hướng hiện nay là các nhà sản xuất đang phải kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn, thông qua việc cung cấp thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Cuộc cách mạng kỹ thuật số cũng đang diễn ra mạnh mẽ, len lỏi tới mọi lĩnh vực khác nhau của hoạt động sản xuất, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và nâng cao kiểm soát chất lượng.

An Hạ