Giá sữa sẽ được quản lý thế nào sau khi bỏ trần?

(Dân trí) - Sau khi kết thúc việc áp dụng biện pháp bình ổn giá, giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi sẽ được quản lý theo hướng các doanh nghiệp được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá khi các chính sách của Nhà nước thay đổi và các yếu tố đầu vào biến động.

Doanh nghiệp sẽ phải công khai thông tin về giá đã kê khai, niêm yết trong toàn hệ thống phân phối.
Doanh nghiệp sẽ phải công khai thông tin về giá đã kê khai, niêm yết trong toàn hệ thống phân phối.

Bỏ trần, giá sữa sẽ được quản lý ra sao?

Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo Thông tư về quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi. Dự kiến Bộ sẽ lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và ban hành ngay trong tháng 4/2017.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đơn vị chủ trì soạn thảo Thông tư này cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ ngày 1/4/2017 sẽ kết thúc việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi. Cũng từ ngày 1/4, chỉ khi doanh nghiệp có điều chỉnh giá hiện hành đang bán thì doanh nghiệp mới phải thực hiện việc kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp.

Trong dự thảo lần này, định kì 1/7 hàng năm hoặc theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước có trách nhiệm rà soát danh sách tổ chức, cá nhân đăng ký giá tại Bộ Công Thương. Trường hợp thương nhân kinh doanh sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng thực hiện kê khai giảm giá thì được thực hiện giảm giá ngay, đồng thời gửi văn bản kê khai giá để thông báo mức giảm giá đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo ông An, sau khi kết thúc việc áp dụng biện pháp bình ổn giá, giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi sẽ được quản lý theo hướng các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về kê khai giá; Doanh nghiệp được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá khi các chính sách của Nhà nước thay đổi và các yếu tố đầu vào như giá nguyên liệu, tỉ giá, giá nhập khẩu... biến động làm tăng hoặc giảm chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh và giá bán sữa.

Cụ thể, trong trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá trong phạm vi 5% thì thực hiện gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh mới cho cơ quan tiếp nhận văn bản trước khi điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá hàng hóa, dịch vụ cộng dồn vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, tổ chức, cá nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định.

Doanh nghiệp phải công khai thông tin về giá đã kê khai, niêm yết trong toàn hệ thống phân phối (nếu có); thực hiện bán không cao hơn giá niêm yết.

Bộ Công Thương sẽ quản lý giá bán lẻ sản phẩm hàng hóa cuối cùng đến người tiêu dùng trong toàn hệ thống phân phối sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi của các doanh nghiệp đầu mối sản xuất, nhập khẩu đã kê khai.

Sau khi doanh nghiệp đầu mối thực hiện hoàn tất việc kê khai giá sản phẩm hàng hóa của mình tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Sở Công Thương công khai giá bán lẻ này trên phạm vi cả nước (thông qua website của Bộ, của Sở và các doanh nghiệp...).

Trên cơ sở mức giá này các cơ quan chức năng trên các địa bàn sẽ cùng với doanh nghiệp đầu mối giám sát mức giá bán lẻ này trên toàn hệ thống phân phối của doanh nghiệp.

Trần giá sữa khiến doanh nghiệp gặp khó khăn

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá vừa qua, các doanh nghiệp đã chấp hành đúng các quy định về xác định và bán sữa theo khung giá tối đa và thực hiện đăng ký giá cho các cơ quan quản lý Nhà nước theo phân cấp.

Tuy nhiên, việc áp mức giá tối đa trong thời gian dài (2 năm 9 tháng) như vừa qua đã khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn nhất là trong việc phát triển thị trường tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phản ánh một số vấn đề liên quan đến quy định tại Nghị định số 100/2014 quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ; trong đó quy định nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Quy định này cùng với các chương trình phổ biến, giáo dục về tác dụng của sữa mẹ một mặt đã có tác động hỗ trợ cho việc đẩy mạnh nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng mặt khác đã tác động đến khả năng tiếp cận nguồn thông tin chính thống về giá cả và chất lượng các sản phẩm sữa tốt dùng cho trẻ từ trên 6 tháng tuổi.

Ngoài ra, theo ông An, một số doanh nghiệp là các nhà phân phối chính thức sữa tại Việt Nam có ý kiến, hiện có khá nhiều các doanh nghiệp khác cũng tham gia nhập khẩu, phân phối trực tiếp các sản phẩm sữa mua từ nguồn sữa tiêu thụ nội địa của nước xuất khẩu (cùng hãng sữa, cùng dòng nhưng bao bì, thành phần có thể khác nhau một vài thông số).

Tâm lý người Việt Nam thường ưa chuộng sản phẩm nội địa của nước xuất khẩu hơn nên đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phân phối chính thức. Các doanh nghiệp này hầu như ít chịu sự điều chỉnh của các quy định về giá và tiêu chuẩn, quy chuẩn sữa của Việt Nam. Khi có khiếu kiện về chất lượng, giá bán sản phẩm, các công ty đại diện và nhà phân phối chính thức sẽ không có trách nhiệm xử lý.

Liên quan đến quản lý giá sữa, hồi đầu năm nay (từ 1/1/2017), công tác quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được chuyển giao cho Bộ Công Thương. Theo đó, kể từ đầu 2017 Bộ Công Thương thay thế Bộ Tài chính tiếp nhận, rà soát biểu mẫu đăng ký giá với thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi trong đó có mặt hàng sữa.

Mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi được đưa vào danh mục hàng bình ổn và áp trần giá từ tháng 6/2014 sau loạt biện pháp quản lý khác như đăng ký, kê khai giá không hiệu quả. Cơ quan chức năng công bố giá trần bán buôn với hơn 600 sản phẩm sữa bột, giá bán lẻ được quy định không được cao hơn quá 15% so với mức bán buôn này. Số lượng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương lên tới 877 sản phẩm.

Hồi tháng 3, Sách Trắng 2017 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đã tiếp tục đề xuất Việt Nam nên gỡ bỏ chính sách giá trần đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đồng thời cho phép quay trở lại với cơ chế giá thị trường và không nên tiếp tục áp dụng các biện pháp áp đặt giá bán tối đa như hiện tại, cũng như không ban hành các biện pháp quản lý giá khác.

Bởi theo hiệp hội này, kể từ khi biện pháp giá trần được áp dụng vào năm 2014, rất nhiều khoản chi phí đội lên tác động tới hoạt động của nhà sản xuất và phân phối sữa.

Phương Dung