Người Việt đã thay đổi hành vi mua sắm và chi tiêu ra sao sau dịch bệnh?

Đại Việt

(Dân trí) - Dịch Covid-19 đã khiến người dân cắt giảm chi tiêu không cần thiết như mua ô tô, điện thoại, đồ điện tử và tăng chi tiêu cho các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe.

Người Việt đã thay đổi hành vi mua sắm và chi tiêu ra sao sau dịch bệnh? - 1

Hành vi mua sắm và chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi rất nhanh. Ảnh: Đại Việt

Tại buổi tọa đàm “Hành trình Marketing từ mạng xã hội tới thương mại điện tử”, chuyên gia và đại diện nhiều doanh nghiệp nhận định, việc chi tiêu, mua sắm của người Việt đã thay đổi rất nhiều sau đại dịch Covid-19.

Bà Vũ Ánh Tuyết, đại diện Lazada Vietnam cho biết, người Việt đã cắt giảm rất nhiều loại chi tiêu không cần thiết như đi du lịch, mua ô tô, điện thoại, máy tính, đồ điện tử…

“Người dân tăng sử dụng các dịch vụ online khác như sử dụng dịch vụ tivi trực tuyến, ngân hàng trực tuyến hoặc mua các sản phẩm gia dụng, bảo hiểm qua mạng. Người dân chú ý đến sức khỏe hơn trước rất nhiều và chi tiêu cho các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhiều hơn”, bà Tuyết nói.

Theo bà Tuyết, người tiêu dùng cũng lựa chọn và mua sắm hàng hóa nội địa nhiều hơn thay vì các sản phẩm nhập khẩu, bởi người dùng đang dần cảm thấy yên tâm về nguồn gốc, chất lượng của hàng hóa trong nước.

Theo số liệu của Kantar Worldpanel, có đến 49% lượng khách hàng trên các trang thương mại điện tử tăng chi tiêu mua sắm online và sử dụng dịch vụ giao hàng. Trong khi đó, chỉ có 22% lượng khách trực tiếp đến cửa hàng tăng chi tiêu”, bà Tuyết chia sẻ.

Người Việt đã thay đổi hành vi mua sắm và chi tiêu ra sao sau dịch bệnh? - 2

Tọa đàm “Hành trình Marketing từ mạng xã hội tới thương mại điện tử” diễn ra tại TPHCM. Ảnh: Đại Việt

Cũng theo bà Tuyết, chính vì nhu cầu mua sắm online của người dân tăng mạnh nên nhiều gian hàng kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử đã có doanh số ấn tượng với mức tăng trưởng từ 50 – 140%.

Bà Đoàn Yến Nhi, đại diện Total Vietnam cho biết, thương mại điện tử và thương mại truyền thống đều có những ưu điểm và nhược điểm của mình. Vấn đề là người kinh doanh phải kết hợp hài hòa hai hình thức này để tạo ra giá trị hiệu quả.

Đối với thương mại truyền thống, các cửa hàng đều bị giới hạn thời gian hoạt động. Người tiêu dùng phải ra đường khi muốn mua sản phẩm và phải trả giá. Người dùng chỉ được nghe đánh giá sản phẩm từ người bán hàng. Chi phí vận hành và vốn đầu tư lớn.

Còn nhược điểm của thương mại điện tử, thương mại xã hội (facebook, zalo…) là người dùng chỉ thấy sản phẩm qua hình ảnh, mô tả và không thể sở hữu món hàng ngay lập tức vì phụ thuộc vào việc giao hàng. Người dùng phải đối mặt với những việc như thái độ của người giao hàng, thời gian giao hàng không hợp lý, không được kiểm tra hàng hóa trước khi giao…

“Thế nhưng, thương mại điện tử và thương mại xã hội có ưu điểm là dễ dàng tiếp xúc lượng khách hàng tương lai rộng lớn, có thể tập trung vào lượng khách hàng tiềm năng, chi phí vận hành thấp, dễ dàng có phản hồi từ khách hàng…”, bà Nhi nói.

Cũng theo bà Nhi, doanh nghiệp muốn gia tăng thị phần thì phải tập trung vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp đó chính là sản phẩm. Củng cố, tập trung cho thương mại truyền thống và đầu tư cho Digital Marketing (tiếp thị kỹ thuật số) cũng như phát triển thương mại điện tử.

Phân tích về việc mạng xã hội đang ảnh hưởng đến việc mua sắm của người Việt, bà Đặng Thị Phương Thảo, đại diện Creative Point cho biết, Facebook đang là mạng xã hội phát triển nhất tại Việt Nam với 64 triệu người dùng. Việt Nam cũng là quốc gia có số lượng người dùng Facebook đứng thứ 7 trên thế giới.

Theo bà Thảo, độ tuổi tham gia vào Facebook nhiều nhất là từ 18 – 35 tuổi, đây cũng chính là nhóm tuổi lao động và có mức chi tiêu nhiều nhất.

“Trong 6 tháng đầu năm nay, mức chi cho mua sắm trực tuyến của người Việt là 31%, cao hơn mức chi tiêu bình quân của khu vực Đông Nam Á (24%)”, bà Thảo nói.

Cũng theo bà Thảo, người dân mua trực tuyến nhiều nhất là các sản phẩm thời trang, làm đẹp, thực phẩm, ăn uống và đồ điện tử.

Người Việt đã thay đổi hành vi mua sắm và chi tiêu ra sao sau dịch bệnh? - 3

Ông Nguyễn Kim Huy, chuyên gia ngành Marketing chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đại Việt

Ông Nguyễn Kim Huy, chuyên gia ngành Marketing nhận định, mua sắm online đang rất phổ biến với người Việt, có đến 35% dân số thực hiện các giao dịch mua sắm trên nền tảng online. Điều này cho thấy sự thay đổi nhanh chóng trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Theo ông Huy, các doanh nghiệp Việt đã và đang tích cực đầu tư vào các hoạt động Marketing cũng như cập nhật các xu hướng, phương thức bán hàng trên các nền tảng số.

“Việc đầu tư cho tiếp thị kỹ thuật số không chỉ giúp cho doanh nghiệp có được kế hoạch marketing chiến lược mà còn là phương pháp để tích hợp, tối ưu hóa các công cụ kỹ thuật số phục vụ cho các hoạt động bán hàng trên mạng xã hội, website, sàn thương mại điện tử đạt hiệu quả lâu dài”.

“Việc đầu tư cho tiếp thị kỹ thuật số cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận được đối tác, khách hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn so với các phương thức bán hàng truyền thống”, ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, hiện nay đang có nhiều đơn vị đang cung cấp các giải pháp Marketing toàn diện cho doanh nghiệp trên nền tảng số. Việc này cũng giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí vận hành, tăng hiệu quả trong kinh doanh.