Người Việt chi tiêu 4,57 triệu tỷ đồng trong 9 tháng

Mai Chi

(Dân trí) - Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đạt hơn 3,57 triệu tỷ đồng, tăng 8,4%. Mức tăng tại Hà Nội và TPHCM lần lượt là 4,8% và 3,9% so với cùng kỳ.

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại trong tháng 9 đã trở nên sôi động hơn so với tháng trước do có kỳ nghỉ lễ 2/9 và học sinh bước vào năm học mới.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 524.600 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vật phẩm văn hóa, giáo dục phục vụ năm học mới tăng khá cao  và các dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tích cực.

Trong quý III/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1,55 triệu tỷ đồng, tăng 1,9% so với quý trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Người Việt chi tiêu 4,57 triệu tỷ đồng trong 9 tháng - 1

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng các năm 2019-2023 (Nguồn: GSO).

Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt gần 4,57 triệu tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước đạt hơn 3,57 triệu tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 7%). Nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 12,8%; hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,4%; may mặc tăng 7,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,9%; riêng phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 1,6%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng so với cùng kỳ năm trước tại một số địa phương như Hải Phòng tăng 11,9%; Quảng Ninh tăng 10,9%; Đồng Nai tăng 9,9%; Bình Dương tăng 9%; Khánh Hòa tăng 8,7%; Cần Thơ tăng 8,2%. Trong khi đó, chỉ số này tại Đà Nẵng chỉ tăng 5,2%; Hà Nội tăng 4,8%; Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) tăng 3,9%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng ước đạt 500.100 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 9 tháng so với cùng kỳ năm trước tại một số địa phương như TPHCM tăng 24,6%; Đà Nẵng tăng 24,5%; Quảng Ninh tăng 22,5%. Mức tăng tại Hải Phòng là 13,8%; Hà Nam tăng 11,9%; Hà Nội tăng 10,5%.

Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng ước đạt 26.500 tỷ đồng, tăng 47,7% so cùng kỳ do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và từ đầu năm đến nay các địa phương cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm kích cầu du dịch. Doanh thu 9 tháng tại Đà Nẵng tăng mạnh đạt tới 139,9%; Quảng Ninh tăng 98,8%; TPHCM tăng 91,3%; Hà Nội tăng 67,4%; Hải Phòng tăng 50,9%; Cần Thơ tăng 39,6%.

Doanh thu dịch vụ khác 9 tháng ước đạt 469.100 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Cụ thể, trong khi Lào Cai tăng 22,9%; Đà Nẵng tăng 15,7%; Phú Yên tăng 14,7%; Quảng Ninh tăng 13,9%; Tiền Giang tăng 12,3%; Cần Thơ tăng 9%; Hà Nội tăng 8,7%; Hải Phòng tăng 6%, Hà Giang tăng 2,9%; Quảng Nam tăng 1,4% thì TPHCM lại giảm 0,9%; Hòa Bình giảm 6,2%.