Dân Việt "bung" nửa triệu tỷ đồng để chi tiêu tháng 11

Mai Chi

(Dân trí) - Trong bối cảnh hàng loạt chính sách giảm giá, kích cầu được bung ra vào cuối năm (Black Friday, 11/11...), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt gần 553.000 tỷ đồng.

Dữ liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 11 diễn ra khá sôi động để chuẩn bị phục vụ cho các ngày lễ lớn cuối năm và chào mừng năm mới 2024.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,3%, doanh thu du lịch lữ hành tăng 50,5%.

Dân Việt bung nửa triệu tỷ đồng để chi tiêu tháng 11 - 1

(Nguồn: GSO).

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 552.700 tỷ đồng. Con số này tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, các vật phẩm văn hóa, giáo dục và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa đóng góp tới 425.000 tỷ đồng.

Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5,67 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%). Như vậy, mặc dù mức tăng tuy đáng ghi nhận nhưng so với cùng kỳ năm 2022 vẫn khiêm tốn.

Tính riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng, con số ước đạt 4,42 triệu tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,8%). Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 14,7%; lương thực, thực phẩm tăng 11,4%; may mặc tăng 7,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,3%; riêng phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 3,3%.

Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là Quảng Ninh tăng 12,4%; Bình Dương tăng 10,8%; Khánh Hòa tăng 10,7%; Hải Phòng tăng 9,9%; Cần Thơ tăng 9,4%; Đồng Nai tăng 8,5%. Ở các trung tâm kinh tế như TPHCM chỉ tăng 7%; Hà Nội tăng 6,7%; Đà Nẵng tăng 6,2%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 616.000 tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng mức và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có sự tăng trưởng mạnh là Đà Nẵng tăng 34,9%; Cần Thơ tăng 31,1%; TPHCM tăng 30,2%; Hải Phòng tăng 13,3%; Hà Nội tăng 10,5%.

Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 34.000 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước do từ đầu năm các địa phương đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch. Những địa phương làm tốt có thể kể đến Khánh Hòa tăng 138%; Đà Nẵng tăng 134,7%; Cần Thơ tăng 129,9%; Quảng Ninh tăng 87,5%; TPHCM tăng 68%; Hà Nội tăng 52,9%; Hải Phòng tăng 44%.

Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 597.000 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng mức và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tăng trưởng tại: Bắc Ninh tăng 21,9%; Đồng Nai tăng 19,8%; Đồng Tháp tăng 15,1%; Lạng Sơn tăng 12,9%; Thái Nguyên tăng 11,8%; Đà Nẵng tăng 10,6%. Hà Nội chỉ tăng 9%; Cần Thơ tăng 8,7%; Hải Phòng tăng 5,3%, trong khi đó, Phú Thọ giảm 0,1%; Quảng Trị giảm 0,3%.