Người dân chi tiêu hơn 1 triệu tỷ đồng trong 2 tháng Tết
(Dân trí) - Trong 2 tháng đầu năm có Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng, đặc biệt là du lịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước vượt 1 triệu tỷ đồng.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 35,8%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho hay, do tháng 2 trùng với Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm và du lịch của người dân tăng cao nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 2 ước đạt 509.700 tỷ đồng, tuy giảm 2,3% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 8,5% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 22,6%; may mặc tăng 20,8%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,4%; du lịch lữ hành tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước vượt 1 triệu tỷ đồng (1,03 triệu tỷ đồng), tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 14,7%). Nếu loại trừ yếu tố giá thì con số này tăng 5% so với cùng kỳ.
Chi tiết, doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng ước đạt 798.300 tỷ đồng, chiếm 77,4% tổng mức và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%).
Trong đó, tiêu thụ đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 18,1%; may mặc tăng 9,8%. Riêng tại một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm tăng khá tốt là Quảng Ninh tăng 10%; Hải Phòng tăng 9,3%; Đà Nẵng và Đồng Nai cùng tăng 7,2%; Bình Dương tăng 6,2%; TPHCM tăng 5,9%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng qua ước đạt 118.300 tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Những địa phương chứng kiến doanh thu tăng cao là Ninh Bình tăng 35%; Kiên Giang tăng 24%; Đà Nẵng tăng 22,7%; Quảng Ninh tăng 20,8%; An Giang tăng 20,5%. Đầu cầu TPHCM tăng 18,6% và Hà Nội ghi nhận mức 17,4%.
Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 9.000 tỷ đồng, chỉ đóng góp khiêm tốn 0,9% trong tổng mức doanh thu nhưng tăng mạnh 35,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 105.900 tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng mức và tăng 9,7%.