Người Nhật "cúi mình bán xăng"; các ông lớn ô tô Việt quanh năm xin giảm thuế

(Dân trí) - Tuần qua, sự kiện đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của trạm xăng dầu bán lẻ Nhật Bản khiến người tiêu dùng thích thú với phong cách phục vụ mới. Trong tuần, các chuyên gia cũng "bóc mẽ" ngành công nghiệp ô tô Việt chỉ biết xin giảm thuế không chú trọng nội địa hoá sản phẩm.

Người Nhật cúi mình bán xăng lay động dân Việt

Sự kiện ngày 5/10 trạm xăng đầu tiên do liên doanh Nhật Bản mở tại Hà Nội đi vào hoạt động đã được dư luận đón nhận, người ta càng chú ý hơn khi giữa cơn mưa nặng hạt, để thể hiện sự cầu thị, vị giám đốc trạm xăng Nhật đã đội mưa đứng cúi đầu mời người đổ xăng vào mua hàng.

Vị giám đốc Nhật cúi đầu chào khách mua xăng đang là hình ảnh biểu tượng của sự mở cửa, tự do kinh doanh
Vị giám đốc Nhật cúi đầu chào khách mua xăng đang là hình ảnh biểu tượng của sự mở cửa, tự do kinh doanh

Cử chỉ tưởng như hành động tuyên truyền, PR thương hiệu hay bản thân nhưng đây hoàn toàn là văn hóa kinh doanh, là nếp sống và nếp nghĩ của người dân Nhật thường làm: Đó là tinh thần cầu thị, sự coi trọng người tiêu dùng, tôn trọng nền tảng văn hóa kinh doanh trong thị trường.

Ngay sau sự kiện gây chú ý của ngành bán lẻ xăng dầu khi lần đầu tiên nước ngoài được bán lẻ xăng tại Việt Nam và hành động cúi chào khách hàng Việt Nam của giám đốc trạm xăng Nhật, giới chuyên gia và người dân Việt Nam đã có những góc nhìn, những đánh giá hết sức tích cực về hành động "đẹp" này.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: Hành động đứng mưa, cúi chào khách hàng đổ xăng tại cây xăng mới mở của giám đốc trạm xăng Nhật là cử chỉ, hành động thúc đẩy cạnh tranh đối với các DN Việt lâu nay vẫn yên chí với sự độc quyền. Sự thúc đẩy này là lành mạnh, tốt cho thị trường và người tiêu dùng.

Về phía người tiêu dùng Việt, nhiều độc giả của Dân Trí đã phản ứng rất tích cực về thông tin hãng xăng dầu Nhật Bản vào Việt Nam: “Rất tốt! Chắc chắn thị trường xăng dầu sẽ khác trước, cơ chế độc quyền sẽ dần dần được xóa bỏ, minh bạch trong tài chính, chất lượng và số lượng. Người tiêu dùng sẽ được phục vụ tốt hơn, yên tâm với mọi dịch vụ của người Nhật!”, độc giả Dương Công Minh nhận định. Nhiều độc giả muốn từ xăng dầu, Nhà nước sẽ mở cơ chế cạnh tranh hơn nữa cho ngành điện và nước. "Cố lên”, “Sắp tới sẽ là ngành điện, nước nhé!” hay “Đến bao giờ mới đến ngành điện, ngành nước?”,...

Chuyên gia: Ô tô Việt chỉ quẩn quanh và xin giảm thuế

Trong tuần, một sự kiện đáng chú ý về phát triển ngành công nghiệp ô tô được diễn ra tại Hà Nội do Bộ Công Thương tổ chức. Tại Hội nghị, các chuyên gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và một số hiệp hội đã có những đánh giá, nhìn nhận thực trạng ngành công nghiệp ô tô, đồng thời đưa ra những chính sách cho tương lai khi thị trường ô tô Việt sẽ thực sự mở cửa vào năm 2018 với những cú đấm mạnh mẽ của ô tô Việt như: Trường Hải, Thành Công hay mới đây là VinFast.

Ngành ô tô Việt đã và đang chứng kiến đổi thay lớn
Ngành ô tô Việt đã và đang chứng kiến đổi thay lớn

Đánh giá về thực trạng ngành ô tô, đại diện Bộ Tài chính than "thất vọng" vì chỉ thấy xin giảm thuế. Bà Nguyễn Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) nói: "Chúng tôi đến đây muốn nghe xem có giải pháp gì mang tính đột phá, hữu ích giúp ngành ô tô nhưng chưa thấy giải pháp nào hữu ích cả".

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định: "Tôi thấy thất vọng về cái giải pháp đưa ra của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Tôi đồng tình khi VAMA nói về đặc điểm, khó khăn thách thức của ngành công nghiệp ô tô, kinh nghiệm chính sách phát triển. Điều này ai cũng nhận thức được. Nhưng cuối cùng giải pháp thì lại chỉ giảm thuế thôi!".

Còn ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI): Việt Nam muốn có ô tô là ý chí quốc gia chứ không phải là ý chí của riêng doanh nghiệp.

"Thị trường đó ta nhìn nhận thế nào để vào cuộc chơi? 20 năm qua, chúng ta cho rằng, FDI hỗ trợ công nghiệp ô tô, theo tôi là không có đâu", ông Long nói. Vị Phó chủ tịch của VAMI nhận định: "Doanh nghiệp Việt như Vinfast bảo làm ô tô thương hiệu Việt là rất quý. Họ lựa chọn công nghệ của châu Âu. Nếu ô tô Việt Nam chỉ "quanh quẩn châu Á" thì không bao giờ có ô tô. Tôi hy vọng với quyết tâm, kinh nghiệm kinh doanh thương trường, tôi hy vọng Việt Nam có ô tô thương hiệu Việt".

Giảm giá đang "cứu" Honda, xe nhập thua đau bởi thuế khoá

Trong tuần, thông tin thị trường và các chính sách ô tô gây chú ý là sự giảm giá tưởng chừng là chiêu "treo dê, bán chó" của Honda nhưng cũng đã khiến DN này tăng doanh số bán hàng kỷ lục.

Chỉ bằng chiêu thức giảm giá, Honda thu về lợi đơn, lợi kép doanh số bán xe
Chỉ bằng chiêu thức giảm giá, Honda thu về lợi đơn, lợi kép doanh số bán xe

Theo báo cáo của VAMA, chỉ trong tháng 9/2017, doanh số bán hàng của Honda CRV đã đứng thứ hai toàn thị trường chỉ sau Vios của Toyota. Mức giá chung được thiết lập của Honda CRV là từ 788 triệu đồng đến hơn 899 triệu đồng/chiếc.

Trên thực tế, ngay từ thời điểm đầu tháng 9/2017 khi các đại lý lớn của Honda tuyên bố giảm mẫu CRV bản 5 chỗ sản xuất cho năm 2016 - 2017 đã nhiều người đặt hàng, lùng mua dòng xe này. Tuy nhiên, khách hàng sau đó thông tin là đại lý tuyên bố giảm giá nhưng không có sẵn xe hoặc báo hết hàng.

Dẫu bị phê phán nhưng với doanh số như trên, chứng tỏ người tiêu dùng vẫn quá coi trọng các thương hiệu xe của Honda hay Toyota cho dù thị trường đang có nhiều thương hiệu xe khác cũng giảm giá, nhưng không được đón nhận tốt, doanh số vẫn ảm đạm.

Trong khi một số DN ô tô nhỏ lao đao, các hãng xe lớn đua nhau xin giảm thuế
Trong khi một số DN ô tô nhỏ lao đao, các hãng xe lớn đua nhau xin giảm thuế

Ở thị trường khác là xe nhập khẩu, khác với diễn biến đầu năm: giá giảm mạnh, lượng xe nhập ồ ạt vào Việt Nam, đến tháng 9/2017 xe nhập đã giảm rất mạnh hàng nghìn chiếc. Cụ thể, theo số liệu của hải quan, hết tháng 9 lượng xe con nhập đã giảm rất mạnh, gần 300% về lượng, với gần 2.700 chiếc so với tháng trước.

Xe nhập đang trên đà tăng mạnh về Việt Nam nhưng đột ngột "bẻ lái" khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao xe nhập lại giảm mạnh khi cuối năm thị trường sôi động, nhu cầu mua xe nhiều nhất năm. Một số DN kinh doanh xe nhận định, thị trường ô tô Việt đang có những biến động dữ dội về chính sách thuế được đưa ra bởi Bộ Tài chính, được đề xuất của Bộ Công Thương: như tăng thuế nhập, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xe bán tải ở Việt Nam; tăng thời hạn thu thuế TTĐB đối với xe du lịch dưới 9 chỗ đến năm 2022 và một số chính sách bảo hộ thị trường. Điều này tác dụng xấu đến thị trường xe nhập nói riêng và cả thị trường xe hơi nói chung.

Một sai phạm hai kết quả, dân biết tin ai?

Tại một dự án BOT tại Bạc Liêu, về chi phí đầu tư, số liệu hạch toán sai chi phí do Kiểm toán Nhà nước phát hiện lên tới 51,3 tỷ đồng nhưng số liệu do Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải phát hiện chỉ hơn 2,1 tỷ đồng.

Một sai phạm hai kết quả, ai đúng và tin ai?
Một sai phạm hai kết quả, ai đúng và tin ai?

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn cửa ngõ phía Bắc thành phố Bạc Liêu và xử lý một số vị trí ngập nước trên quốc lộ 1 theo hình thức BOT vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố kết luận.

Theo kết luận, nguồn vốn đầu tư của dự án là gần 488 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 14,5 tỷ đồng so với con số do chủ đầu tư báo cáo. Nguyên nhân được chỉ ra là do chưa hạch toán giảm vốn chủ sở hữu và vốn vay từ tiền hoàn thuế GTGT.

Đáng lưu ý, Kiểm toán Nhà nước phát hiện hạch toán sai chi phí tổng cộng hơn 24,2 tỷ đồng. Trong đó, số liệu do Kiểm toán Nhà nước phát hiện lên tới 51,3 tỷ đồng nhưng số liệu do Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải phát hiện chỉ hơn 2,1 tỷ đồng.

“Chúa chổm” nợ nghìn tỷ, ghế nóng Vinachem đang đợi chủ tài

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có báo cáo lên Bộ Công Thương về tình hình thực hiện liên quan đến việc vay vốn đầu tư dài hạn, vay vốn lưu động, lãi suất và cơ cấu nợ vay tại các ngân hàng tại 4 dự án đang gặp khó khăn của Tập đoàn.

Vinachem đang vắng bóng ghế chủ tịch, người có khả năng và đủ sức vóc giải quyết khối nợ hàng nghìn tỷ đồng của các công ty con
Vinachem đang vắng bóng ghế chủ tịch, người có khả năng và đủ sức vóc giải quyết khối nợ hàng nghìn tỷ đồng của các công ty con

Theo đó, các chủ nợ lớn nhất của các nhà máy thuộc Vinachem là: Ngân hàng Phát triển Việt Nam với khoản nợ gốc của 4 dự án nhà máy đạm của Vinachem bao gồm Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP - Vinachem và DAP 2 - Lào Cai lên tới 8.588 tỷ đồng.

Vietinbank hiện cũng là chủ nợ lớn của của ba nhà máy Đạm Ninh Bình 2.698 tỷ đồng, Nhà máy Đạm Hà Bắc 3.952 tỷ đồng, chưa kể khoản nợ lãi quá hạn lên tới 422 tỷ đồng. Dự án DAP 2 - Vinachem Lào Cai cũng còn khoản nợ 1.736 tỷ đồng, nợ lãi quá hạn gần 269 tỷ đồng. Trong khi đó BIDV và Vietcombank cũng đang có những khoản nợ từ 183 tỷ đồng đến hơn 1.000 tỷ đồng đang nằm tại các dự án phân bón của Vinachem.

Giữa bối cảnh Vinachem đang sở hữu những doanh nghiệp nợ đầm, nợ địa, thì chiếc ghế nóng của tập đoàn “con cưng” này đang trống. Bộ Công Thương vừa cho biết sẽ đợi Ban bí thư và Uỷ ban Kiểm tra trung ương về việc thực hiện xử lý kỷ luật hành chính đối với ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Vinachem. Đồng thời, sau đó nhân sự của chiếc ghế nóng này sẽ do Thủ tướng Chính Phủ quyết định.

Nguyễn Tuyền

(Tổng hợp)