Người dân kiến nghị biểu giá "lỗi thời", muốn dùng điện càng nhiều càng rẻ
(Dân trí) - Nhiều người dân kiến nghị EVN xem xét lại sự “lỗi thời” biểu giá điện tính theo bậc thang hiện nay và muốn điện dùng càng nhiều càng rẻ giống hàng hóa khác.
Trước phản ánh của người dân, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lập đoàn công tác để kiểm tra, xác minh việc hoá đơn tiền điện tăng trong thời gian qua.
Đoàn công tác có sự tham gia của Cục điều tiết điện lực, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Hội Bảo vệ Người tiêu dùng
Theo thông tin từ lãnh đạo EVN, thời gian làm việc của đoàn kiểm tra từ ngày 25/6 - 3/7.
Tại cuộc kiểm tra chiều 25/6, lãnh đạo Tập đoàn EVN cùng một Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, lãnh đạo Công ty Điện lực Thanh Xuân đã đến một số hộ gia đình có khiếu nại về việc hóa đơn tiền điện tăng vọt.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty điện lực Thanh Xuân, từ 1/1/2020 đến ngày 23/6/2020 có 2.975 kiến nghị của khách hàng, trong số này có tới 434 kiến nghị kiểm tra hệ thống đo đếm.
Đoàn kiểm tra có mặt tại một khách hàng ở khu vực Nguyễn Trãi, Thanh Xuân. Ông Điệp - một vi khách hàng lớn tuổi cho biết, hộ gia đình ông đã rất sốt ruột khi phải trả hoá đơn tiền điện cao gấp đôi tháng trước, tổng số lượng điện tiêu thụ là 1.800 kWh.
“Thấy số tiền đội lên rất nhiều, tôi có phản ánh tới phía điện lực. Mọi tháng chỉ tầm 3,6 triệu đồng, tháng này hơn 7 triệu đồng” - ông Điệp nói và cho biết qua rà soát thấy do có tăng sử dụng các thiết bị làm mát như điều hoà nên lượng điện tiêu thụ tăng.
Vị khách hàng lớn tuổi này cũng như một số hộ dân khác quanh khu vực đều có chung thắc mắc, tại sao điện càng dùng nhiều càng đắt, không giống như những hàng hóa khác.
Nhiều người dân cũng kiến nghị việc xem xét lại sự “lỗi thời” biểu giá điện tính theo bậc thang hiện nay.
Làm rõ thắc mắc của khách hàng, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN - cho biết, phần lớn lượng điện năng hiện đang được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được như than đá, dầu mỏ, khí đốt là các nguồn tài nguyên có hạn nên việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được xem như là biện pháp quan trọng và cần thiết đối với tất cả các quốc gia.
“Với đặc trưng kinh tế kỹ thuật của ngành điện, sự gia tăng tiêu dùng vào giờ cao điểm là lúc hệ thống phải huy động các nhà máy với chi phí nhiên liệu cao hơn (nhà máy chạy dầu...) để đáp ứng nhu cầu” - ông Dũng nói với Dân trí.
Theo ông Dũng, biểu giá điện sinh hoạt bậc thang với các mức giá tăng dần phản ánh mối quan hệ giữa chi phí huy động nguồn phát của hệ thống điện và việc tiêu dùng điện của hộ sinh hoạt, càng dùng nhiều điện hệ thống càng phải huy động các nguồn điện với giá thành đắt hơn.
Vì vậy, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, theo ông Dũng, nhiều nước trên thế giới áp dụng giá điện sinh hoạt theo các bậc tăng dần để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân.
Cụ thể như Nhật Bản áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang theo 3 bậc; Hàn Quốc, Hồng Kông, Nam Phi áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 đến 7 bậc; các nước ASEAN áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang từ 3 bậc đến 10 bậc.
“Việc thiết kế biểu giá bán điện sinh hoạt phù hợp với tình hình sử dụng điện và xu thế, kinh nghiệm của các nước trên thế giới là cần thiết” - đại diện EVN khẳng định.
Có mặt tại cuộc làm việc, đại diện Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) thông tin cơ quan này đang trình sửa đổi biểu giá bán lẻ điện mới. Đề án sửa đổi biểu giá điện bán lẻ mới có lấy ý kiến của các bên liên quan. Vị này khẳng định sẽ có những cải tiến phù hợp với tình hình sử dụng điện hiện nay.
Nguyễn Mạnh