Người dân bớt gửi tiền vào ngân hàng: Số liệu được hé lộ

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Tháng 7, tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng ròng khoảng 6.700 tỷ đồng, mức tăng thấp nhất từ đầu năm. Tốc độ tăng 3 tháng gần đây đã chậm lại.

Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền của người dân và tổ chức gửi vào hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 7 đạt gần 12,29 triệu tỷ đồng, giảm so với mức 12,37 triệu tỷ đồng cuối tháng 6.

Lượng tiền gửi của người dân chảy vào hệ thống ngân hàng dù tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ tăng 3 tháng gần đây đã chậm lại so với giai đoạn trước. Trong tháng 7, tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng chỉ tăng hơn 6.700 tỷ đồng - mức tăng thấp nhất từ đầu năm.

Tháng 6, người dân gửi thêm hơn 35.300 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng. Còn tháng 5, tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng ròng khoảng 14.700 tỷ đồng. Trong khi đó, giai đoạn 4 tháng đầu năm, mức tăng bình quân lên đến trên 110.000 tỷ mỗi tháng.

Nếu tính chung 7 tháng, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng vẫn đạt hơn 6,389 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 8,93% so với đầu năm, cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.

Tiền gửi dân cư bắt đầu chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng từ tháng 10 năm ngoái, trước sức hấp dẫn khi lãi suất tiết kiệm liên tục tăng cao, có thời điểm lãi suất lên tới 10-11%/năm. Bước sang năm 2023, lãi suất bắt đầu giảm nhiệt nhưng vẫn duy trì mặt bằng cao so với trước Covid-19.

Từ tháng 4, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, khiến kênh tiền gửi trở nên bớt hấp dẫn. Hiện tại, với kỳ hạn 12 tháng, tại các ngân hàng lớn lãi suất về dưới 5,5%/năm, thấp hơn giai đoạn dịch Covid-19. Tại các ngân hàng tư nhân, lãi tiết kiệm cũng chỉ khoảng 5,5-6,5%/năm.

Người dân bớt gửi tiền vào ngân hàng: Số liệu được hé lộ  - 1

Kênh gửi tiền bớt hấp dẫn (Ảnh: Mạnh Quân).

Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng giảm hơn 74.000 tỷ đồng so với trước đó. Trong vòng một năm trở lại đây, khối doanh nghiệp thường rút bớt tiền gửi tại ngân hàng hoặc gửi thêm vào khá hạn chế.

Tuy nhiên, tiền gửi của nhóm này đã tăng ròng mạnh hơn 235.000 tỷ đồng trong tháng 6 trước đó, mức tăng ròng theo tháng cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái. Dù vậy, đến tháng 7, tiền gửi của nhóm này đã quay đầu giảm.

Tính đến hết tháng 7, tiền gửi của các tổ chức ở mức 5,9 triệu tỷ đồng, giảm 0,74% so với đầu năm.