Nghịch lý cước vận tải – giá xăng dầu: Sự “bất lực” của pháp luật cạnh tranh?
(Dân trí) - Sau hơn 10 năm thực thi, Luật Cạnh tranh vẫn chưa thực hiện được sứ mệnh của mình là bảo vệ môi trường cạnh tranh khi vẫn còn những cú “bắt tay” thỏa thuận giữa các doanh nghiệp với nhau, gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà điển hình là giá cước vận tải và giá sữa.
Phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) phối hợp tổ chức sáng qua (10/5) tại Hà Nội, ông Phùng Văn Thành, Phó trưởng phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, ra đời năm 2004, Luật Cạnh tranh đã trở thành đạo luật quan trọng, đóng vai trò là “Hiến pháp của nền kinh tế thị trường” tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực thi, Luật Cạnh tranh 2004 đã bộc lộ một số hạn chế khiến luật này chưa làm được sứ mệnh là: bảo vệ môi trường cạnh tranh, bảo vệ động lực của nền kinh tế, không bảo vệ cho bất cứ doanh nghiệp (DN) hay nhóm DN nào.
Cạnh tranh không công bằng giữa DNNN và DN khác
Theo đại diện Bộ Công Thương, mặc dù Hiến pháp 2013 đã khẳng định, “các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”, tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn có những hành vi chưa phù hợp với pháp luật cạnh tranh.
Còn tình trạng nhiều cơ quan Bộ, ngành ở cả Trung ương và địa phương ban hành các chính sách và văn bản hành chính tạo sự phân biệt đối xử, gây cạnh tranh không công bằng giữa DNNN và các doanh nghiệp khác.
Nhìn chung, Luật Cạnh tranh hiện hành còn thiếu các quy định đảm bảo hiệu quả, hiệu lực trong việc giám sát, kiểm soát và xử lý các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh và tập trung kinh tế của DNNN.
Cũng theo ông Thành, sau hơn 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh, trên thị trường đã xuất hiện nhiều hành vi cạnh tranh như thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường tiêu thụ sản phẩm hay các giao dịch mua bán, sáp nhập được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng đã có những ảnh hưởng nhất định tới thị trường Việt Nam.
Ví dụ như một số nhà sản xuất, phân phối và nhập khẩu hàng tiêu dùng có thể thỏa thuận ấn định giá xuyên biên giới để tăng giá bán tại thị trường nội địa Việt Nam (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh), gây tác động bất lợi tới người tiêu dùng và các doanh nghiệp không trực tiếp tham gia vào thỏa thuận đó.
Mặc dù trên thị trường đã xuất hiện nhiều hành vi phản cạnh tranh như trên và công luận cho thấy cần có sự can thiệp và điều chỉnh của cơ quan cạnh tranh. Tuy nhiên, pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý điều chỉnh các loại hành vi thực hiện ở ngoài lãnh thổ.
Vì vậy, theo ông Thành, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với những hành vi cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động hạn chế cạnh tranh tới môi trường kinh doanh của Việt Nam là cần thiết nhằm bảo vệ cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.
Cơ quan Nhà nước vi phạm, ai xử lý?
Ngoài ra, tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, đại diện Ban pháp chế VCCI cũng đặt ra vấn đề, Nhà nước nên sử dụng công cụ hành chính hay cạnh tranh để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh?
Theo đó, bà Hồng dẫn lại ví dụ về mối quan hệ giữ giá xăng và giá cước vận tải. Từ tháng 7/2014 đến tháng 1/2015, giá xăng dầu được điều chỉnh 14 đợt, giảm 39% song giá cước vận tải chỉ giảm 3-10%. Sau đó, từ 4/7/2015 đến 4/9/2015, giá xăng giảm 16-17% song giá cước taxi vẫn giữ nguyên.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, giá xăng dầu chiếm khoảng 30-40% chi phí vận tải, nên nếu giá xăng giảm 10% thì giá cước vận tải sẽ phải giảm khoảng 3,5-4%. Nói cách khác, người tiêu dùng đang bị “móc túi” khoản tiền lớn do giá cước vận tải hành khách không giảm.
Đáng nói là sau đó phát biểu trên truyền thông, một đại diện của ngành vận tải đã xin sự thông cảm của khách hàng với phát ngôn: “Sau khi thảo luận với các thành viên, chúng tôi quyết định vẫn giữ nguyên mức cước phí dù rằng mức phí này đã tăng 500 đồng/km từ hồi tháng 5/2015”.
Chuyên gia của VCCI cho rằng, ngay trong phát ngôn kia đã cho thấy có dấu hiệu của hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các DN vận tải, vi phạm pháp luật cạnh tranh. Thế nhưng, trong tình huống đó, Nhà nước lại chỉ can thiệp hành chính vào thị trường thông qua việc yêu cầu DN tính toán lại cơ cấu giá và giảm giá, buộc DN phải công bố mức giảm giá cước.
Tương tự câu chuyện giá sữa cách đây 2 năm, vào tháng 8/2015, giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới giảm từ 12-20% nhưng giá sữa bột thành phẩm của Việt Nam lại không giảm, trong khi tới 80% nguyên liệu sữa bột sử dụng ở Việt Nam là nhập khẩu. Cơ quan Nhà nước sau đó đã phải đưa sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi vào danh mục sản phẩm bình ổn giá, đồng thời áp trần cho một số sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trong khi, tuy đã có Luật Cạnh tranh 2004, nhưng chuyện giá sữa vẫn chưa được xem xét dưới góc độ liệu có thỏa thuận ngầm hạn chế cạnh tranh hay không?
Vấn đề thứ hai mà đại diện VCCI đặt ra với ban soạn thảo: Sẽ như thế nào trong trường hợp cơ quan Nhà nước lại chính là chủ thể vi phạm pháp luật cạnh tranh?
Đơn cử, vào đầu năm 2015, chính quyền một địa phương đã phát công văn yêu cầu đẩy mạnh sử dụng tiêu thu một sản phẩm bia của DN có nhà máy trên địa bàn tới các cơ quan, DN (yêu cầu vận dộng, ưu tiên sử dụng đích danh tên sản phẩm). Đây là hành vi bị cấm đối với các cơ quan Nhà nước đã được quy định tại Luật Cạnh tranh.
Vì vậy, theo VCCI, “khi cơ quan Nhà nước vi phạm, cơ chế nào bảo vệ DN” là một vấn đề cần được giải quyết tại Luật cạnh tranh sửa đổi: Liệu rằng sẽ xử lý tại cơ quan quản lý cạnh tranh hay đưa ra tòa án?
Bích Diệp