Ngân hàng Việt chờ đón "Z Generation"
(Dân trí) - Tại Việt Nam, ngành bán lẻ ngân hàng chỉ mới phát triển trong vòng hơn 1 thập kỷ qua và đã bỏ lỡ cơ hội với thế hệ Millennial. Họ có thể sửa sai với thế hệ Z.
Khi nói đến thế hệ X, những người sinh năm 1965 – 1981, người ta nghĩ đến sự tiết kiệm và giản dị. Nói đến thế hệ Y hay Millenials, những người sinh năm 1982 – 1996, đặc điểm chung đó là hơi mâu thuẫn, sành điệu, giỏi công nghệ.
Khoảng 15 đến 20 năm, chúng ta lại đón chào những lớp người mới với những điểm đặc trưng khác biệt so với bậc tiền bối. Gần nhất, thế giới đã chuẩn bị chào đón một quá trình chuyển giao thế hệ mới mang tên Z. Sinh ra từ nửa cuối những năm 90 đến giữa những năm 2000, thế hệ Z – lớn lên trong kết nối mạng, tiếp cận lượng thông tin toàn cầu, kết nối xã hội với bạn bè và các hoạt động khác chỉ thông qua một chiếc smartphone, vì vậy cũng mang trong mình những 'gen' tính cách và quan điểm tiêu dùng rất khác so với những thế hệ trước đó.
Thế hệ sẽ khai trừ ngân hàng trực tuyến
Là thế hệ của kết nối, thế hệ Z không cảm thấy cần thiết đến cửa hàng để mua sắm, họ chỉ đến khi không còn lựa chọn nào khác. Trong một nghiên cứu gần đây của Ernst & Young, 63% nói rằng họ mua sắm trực tuyến vì tiết kiệm thời gian, trong khi 53% nói lựa chọn trực tuyến tốt hơn tại cửa hàng.
Cũng theo nghiên cứu của Decision Lab, trong năm 2018, họ sẽ trực tiếp tiêu dùng 200 tỉ USD cùng lúc với ảnh hưởng đến các khoản tiêu dùng của cha mẹ trị giá 600 tỉ USD. Ở Việt Nam, thế hệ Z chiếm tỉ lệ 1/7 tổng dân số, tương đương hơn 14,4 triệu người.
Một nghiên cứu của ngân hàng TD Bank có trụ sở tại Mỹ cho thấy, 39% thế hệ Z nói rằng ngân hàng di động rất quan trọng với họ. Chỉ có 11% người được khảo sát nói tương tự về ngân hàng trực tuyến. Thế hệ Z có thể là những người đầu tiên bỏ phế ngân hàng trực tuyến và thực hiện toàn bộ trên di động. Chỉ có 13% quan tâm đến vị trí thuận tiện của các chi nhánh ngân hàng.
Ông Shameek Bhargava, giám đốc VPDirect thuộc VPBank đánh giá, dù đa số thế hệ Z hiện có thu nhập không đáng kể, việc để ý tới nhu cầu của thế hệ Z là điều bắt buộc, bởi lớp trẻ này sẽ dẫn dắt các dịch vụ thanh toán trong tương lai.
"Thế hệ Z mở ra một kỷ nguyên mà tất cả các giao dịch với mỗi công ty sẽ được hoàn thành trên mạng Internet. Chúng ta sẽ thấy điện thoại di động thay thế cho chi nhánh ngân hàng, những hình ảnh xếp hàng, quầy thu tiền sẽ dần biến mất", ông Shameek nhận định.
Nhận thức được cơ hội đó, tháng 9 vừa qua, VPBank đã cho ra mắt ứng dụng ngân hàng số YOLO trên nền tảng di động. Nhưng khác với các ứng dụng ngân hàng số khác đang có mặt trên thị trường Việt Nam, YOLO còn đi sâu hơn vào cuộc sống hàng ngày của khách hàng thông qua việc cung cấp các dịch vụ khác như tư vấn sức khỏe, gọi xe, mua sắm trực tuyến, đặt nhà hàng, du lịch, và thậm chí là cả nghe nhạc và xem phim.
Đối tượng chính trong thời gian đầu mới ra mắt YOLO mà VPBank muốn hướng đến chính là giới trẻ thuộc thế hệ Z. Đó cũng chính là lý do VPBank chọn Soobin Hoàng Sơn, một nam ca sỹ đang được giới trẻ yêu thích làm đại sứ thương hiệu. Tất nhiên với những phân khúc khách hàng thuộc thế hệ X và thế hệ Millennial, YOLO cũng là một ứng dụng rất thân thiện với mọi nhu cầu của họ.
Theo ông Shameek, ý tưởng hình thành nên YOLO bắt nguồn từ mong muốn tạo ra một nền tảng số có khả năng tiếp cận và phục vụ cho hàng triệu khách hàng mới một cách nhanh chóng, một nền tảng ngân hàng số có khả năng phát triển mạnh mẽ và đột phá hơn những gì chúng ta thường thấy trong mô hình ngân hàng truyền thống.
"Đó là những khác biệt mà chúng tôi hướng tới khi xây dựng sản phẩm. YOLO cung cấp những tiện ích tối ưu cho khách hàng thông qua 15 nhà cung cấp dịch vụ liên kết, những chương trình ưu đãi có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, tiền của khách hàng khi để trong YOLO vẫn được trả lãi dựa theo biểu lãi suất của từng thời kỳ.Hơn thế nữa, chức năng YOLO Super sẽ cho phép tối ưu hóa dòng tiền và tiết kiệm một cách thông minh nhất”, ông Shameek cho biết.
Có lẽ nhờ đính kèm những tính năng, dịch vụ thân thiện với đời sống hàng ngày của khách hàng, YOLO đã thu hút lượng người dùng khá lớn ngay từ những ngày đầu mới ra mắt. Sau gần hai tháng có mặt trên thị trường, lượng người tải ứng dụng YOLO đã gần chạm con số 100.000. Trong đó, người sử dụng thuộc thế hệ Z chiếm một tỷ lệ khá lớn.
Thực tế, ở vào thời điểm này, thế hệ Z chưa phải là nhóm khách hàng chính của ngân hàng, do đây là nhóm khách hàng vẫn đang phụ thuộc tài chính nhiều vào bố mẹ. Vì thế, nhiều ngân hàng có thể sẽ không coi trọng phân khúc này.
Tuy nhiên, khi nhìn lại những gì đã diễn ra với thế hệ Millennial trên thế giới, các ngân hàng có thể nhận ra nhiều bài học khi bỏ lỡ cơ hội kết thân với nhóm khách hàng này trong hai thập kỷ trước. Những người trưởng thành của thế hệ Millennial đã trở thành phân khúc mang về nhiều lợi nhuận nhất cho mảng bán lẻ của các ngân hàng. Nó chỉ ra rằng các tổ chức tài chính nên bắt đầu xây dựng mối quan hệ với người tiêu dùng khi họ còn trẻ, từ đó giúp định hình quan điểm về tài chính của họ cũng như sở thích tiêu dùng.
Tại Việt Nam, ngành bán lẻ ngân hàng chỉ mới phát triển trong vòng hơn 1 thập kỷ qua và đã bỏ lỡ cơ hội với thế hệ Millennial. Họ có thể sửa sai với thế hệ Z. Trong vòng 5 năm tới, những cá thể đầu tiên thuộc thế hệ Z sẽ có độ tuổi trên 23, bắt đầu hình thành nhóm tiêu dùng lớn nhất nhì của xã hội, và đây là lúc các ngân hàng chuẩn bị để gửi một lời chào tới thế hệ mới này.