Ngân hàng ồ ạt báo lãi "khủng", có miễn nhiễm với thông tin xấu?

Thảo Thu

(Dân trí) - Hàng loạt ngân hàng sớm công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm với kết quả tích cực, có nhà băng thực hiện được 75% kế hoạch năm. Ngành ngân hàng có miễn nhiễm với các thông tin không tốt?

Ngân hàng ồ ạt báo lãi "khủng"

Dù chịu áp lực lạm phát toàn cầu cùng với các quy định mới hay những dự thảo sửa đổi quy định cũ chặt chẽ hơn trong ngành bất động sản và an toàn trong hoạt động ngân hàng, nhiều nhà băng vẫn báo lãi "khủng" sau 6 tháng.

Trong số các ngân hàng đã công bố sớm kết quả kinh doanh, Techcombank đang dẫn đầu. Riêng quý II, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 7.321 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Nửa đầu năm, ngân hàng này lãi trước thuế kỷ lục 14.106 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Với mục tiêu 27.000 tỷ đồng lợi nhuận đặt ra, nhà băng này thực hiện được 52,5% kế hoạch sau nửa năm.

Ngân hàng ồ ạt báo lãi khủng, có miễn nhiễm với thông tin xấu? - 1

Các ngân hàng đồng loạt báo lãi lớn (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

VPBank thực hiện 51,6% kế hoạch lợi nhuận đặt ra sau nửa năm dù kết quả kinh doanh quý II sụt giảm. Cụ thể, ngân hàng ghi nhận 4.177 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý II, giảm 17%.

Việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng riêng quý II tăng hơn 33% lên gần 5.600 tỷ đồng là nguyên nhân khiến lợi nhuận kém sáng. Dù vậy, khoản lợi nhuận kỷ lục 11.146 tỷ đồng từ quý I trước đó giúp lũy kế 6 tháng ngân hàng này vẫn đạt 15.322 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 70%.

Nhờ khoản lãi đột biến từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, LienVietPostBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.793 tỷ đồng trong quý II, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 3.588 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. So với chỉ tiêu lợi nhuận năm đặt ra 4.800 tỷ đồng, nhà băng này đã thực hiện được 75% kế hoạch.

Hay tại các ngân hàng tầm trung khác như ABBank, lợi nhuận quý II cũng tăng tới 82% so với cùng kỳ, đạt 1.086 tỷ đồng. Quyền tổng giám đốc ABBank Nguyễn Mạnh Quân cho biết việc bổ sung nguồn lực tài chính sau khi tăng vốn điều lệ trong quý II giúp bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng và làm gia tăng thu nhập, giúp lợi nhuận có sự tăng trưởng.

Nửa đầu năm, nhà băng này đạt 1.329 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 39% so với cùng kỳ. ABBank thực hiện 43,1% kế hoạch năm sau 6 tháng.

SeABank cũng đã sớm công bố lợi nhuận ước tính với con số 2.806 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 180% so với cùng kỳ và thực hiện gần 58% kế hoạch năm đặt ra. Bên cạnh mảng cho vay tăng mạnh, nhà băng này còn thu về 1.736 tỷ đồng từ khoản thu ngoài lãi, cao hơn 226% so với cùng kỳ năm trước.

Hay tại MSB, mảng kinh doanh ngoại hối tăng 223% so với cùng kỳ năm trước góp phần giúp nhà băng thực hiện được gần 50% kế hoạch năm. MSB đạt tổng lợi nhuận trước thuế gần 3.336 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Còn tại VIB, lợi nhuận trước thuế quý II đạt 2.744 tỷ đồng, tăng hơn 600 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, VIB đạt lợi nhuận 5.022 tỷ đồng, tăng 27%, tương ứng thực hiện được 48% kế hoạch năm đặt ra.

Thực tế, từ trước khi công bố kết quả kinh doanh, nhiều công ty chứng khoán đã dự đoán bức tranh lợi nhuận nửa đầu năm của các ngân hàng vẫn tươi sáng. Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam ước tính lãi ròng quý II của 27 ngân hàng niêm yết sẽ tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.

Hay Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng nhận định tăng trưởng lợi nhuận bình quân 6 tháng đầu năm của các ngân hàng có thể đạt bình quân 26-29% so với cùng kỳ. Nguyên nhân nhờ tăng trưởng tín dụng tăng 18% so với cùng kỳ,  thu nhập lãi thuần tăng và áp lực trích lập dự phòng ở mức vừa phải do các ngân hàng lớn trước đó đã trích lập dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu cho Covid-19 trong năm 2021.

Ngân hàng có miễn nhiễm với thông tin xấu?

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thực tế ngân hàng báo lãi lớn không phải do miễn nhiễm với thông tin xấu hay các thông tin được cho là ảnh hưởng tới hoạt động ngành. 

Ông Hiếu chỉ ra một số nguyên nhân chính giúp lợi nhuận ngành ngân hàng tăng là nhờ sự phục hồi sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, kéo theo nhu cầu tín dụng tăng mạnh.

Tín dụng tăng trưởng mạnh là yếu tố duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng. Đến cuối quý II, dư nợ tín dụng toàn ngành đã tăng 9,35% trong khi chỉ tiêu này cùng kỳ năm 2021 là 6,44%.

Ngân hàng ồ ạt báo lãi khủng, có miễn nhiễm với thông tin xấu? - 2

Tăng trưởng mạnh ở chỉ tiêu tín dụng là yếu tố duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Ngoài ra, ông đánh giá việc quản trị rủi ro luôn được ngân hàng đặt ra ở mức cao. Các ngân hàng đã dự báo những kịch bản gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính.

Ông cũng chỉ ra một nguyên nhân khác là ngân hàng có được nhiều lợi thế hơn các ngành khác do đây là bộ máy tuần hoàn và phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. 3 năm qua, ngân hàng nổi lên là ngành kinh doanh có lợi nhuận nhiều nhất trong khi nhiều doanh nghiệp ngoài lĩnh vực tài chính khốn đốn. Ông đề cập câu chuyện có những ngân hàng đi tới lằn ranh rủi ro thì lại được các ngân hàng lớn khác "cứu" bằng cách nhận chuyển giao bắt buộc.  

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cho rằng thực tế, đối với ngành ngân hàng thì các thông tin được cho là xấu rất "nhạy cảm". Lợi nhuận ngân hàng đạt cao trong nửa đầu năm là do sự nhạy cảm, giúp chuẩn bị tốt các kịch bản xấu chứ không phải vì "miễn nhiễm" tin xấu.

Về bức tranh nửa cuối năm của ngành ngân hàng, ông Thịnh cho rằng số đơn vị báo lợi nhuận đạt kế hoạch đặt ra có thể chỉ còn là "cua trong lỗ". Vị chuyên gia nhận định rủi ro về room tín dụng, nợ xấu, "sức khỏe" của các doanh nghiệp bất động sản… sẽ là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực và làm phân hóa lợi nhuận của ngành ngân hàng nửa cuối năm.

Đồng tình, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh ngành ngân hàng có thể vẫn tốt nhưng không phản ánh thực tế đáng lo mà các nhà băng phải đối mặt nửa cuối năm. Những vấn đề này gồm có lạm phát tăng, ẩn số room tín dụng, Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước hết hiệu lực.