Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp xử lý thông tin “rửa vàng”
(Dân trí) - Ngày 24/4, ngoài thông cáo bác bỏ các thông tin sai lệch về nghi vấn trục lợi chính sách để “rửa” vàng lậu, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn đề nghị Tổng cục An ninh II - Bộ Công an phối hợp xử lý theo pháp luật.
Công văn do Phó Thống đốc Lê Minh Hưng ký gửi tới Tổng cục An ninh II – Bộ Công an để thông báo và đề nghị cơ quan này phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo công văn, sáng 24/4, có thông tin dẫn từ thống kê của Hiệp hội vàng thế giới về tổng nhu cầu vàng của Việt Nam trong hai năm 2011 và 2012 để phân tích và đưa ra nhận định “hàng tỷ USD nhập lậu vàng” và “các chính sách xuất - nhập và cuộc chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC trong thời gian qua hé lộ khả năng đã có tình trạng trục lợi chính sách để “rửa” số lượng vàng lậu khổng lồ đã tràn vào Việt Nam” và “hợp pháp hóa vàng lậu”. Qua đó, thông tin này đặt dấu hỏi về việc NHNN đã “rửa” vàng bằng cơ chế.
Công văn gửi Tổng cục An ninh II - Bộ Công an cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã liên hệ với Hội đồng Vàng Thế giới để làm rõ về nguồn số liệu mà thông tin trên trích dẫn.
Ngân hàng Nhà nước dẫn thông tin từ Hội đồng vàng thế giới cho biết: hàng năm, tổ chức này gặp gỡ các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các chuyên gia để trao đổi, đưa ra nhận định về nhu cầu vàng của các quốc gia. Trên cơ sở đó, tổ chức này đưa ra con số ước tính về nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại các quốc gia, bao gồm nhu cầu vàng trang sức, nhu cầu vàng đầu tư.
Trước đó, thông tin từ bài báo nói trên dẫn số liệu được cho là từ thống kê của Hiệp hội vàng thế giới, nói rằng, số lượng vàng thỏi nhập vào Việt Nam năm 2011 là 87,8 tấn, năm 2012 là 75,2 tấn, tổng cộng hơn 8,5 tỷ USD. Từ thông tin bị diễn dịch sai này, bài báo đặt nghi vấn về khả năng trực lợi chính sách để “rửa” vàng lậu thành vàng SJC và kiếm lợi.
Về chủ trương tạm xuất - tái nhập, NHNN từng giải thích, làm rõ nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhà nước công nhận quyền nắm giữ, mua, bán tất cả các thương hiệu vàng miếng hợp pháp của người dân, không có sự phân biệt đối xử và không hạn chế lưu thông các thương hiệu vàng miếng khác SJC.
Nghị định 24 và các quy định khác của pháp luật không có quy định nào bắt buộc phải chuyển đổi các loại vàng miếng khác sang vàng miếng SJC. Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi vàng miếng khác SJC sang vàng miếng SJC của người dân, TCTD và doanh nghiệp, NHNN đã ban hành quy định chặt chẽ để thực hiện việc chuyển đổi vàng miếng thương hiệu khác sang vàng miếng SJC. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ kiểm định, chuyển đổi, NHNN đã cho phép thực hiện việc tạm xuất vàng miếng phi SJC và tái nhập vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế với khối lượng xuất khẩu bằng khối lượng nhập khẩu. Việc thực hiện chủ trương này này nhằm đẩy nhanh tiến độ kiểm định, gia công vàng miếng phi SJC thành vàng SJC theo đúng quy định của pháp luật và NHNN đã báo cáo Chính phủ trước khi thực hiện.
Ngoài ra, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức bán vàng miếng can thiệp thị trường vàng theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nguồn vàng bán can thiệp là của Ngân hàng Nhà nước là dự trữ ngoại hối Nhà nước, không liên quan đến vàng tạm xuất tái nhập.
Hồng Kỹ