Ngân hàng giảm lãi suất, vẫn lo ế khách vay

Công bố giảm lãi suất cho vay vốn, song lãnh đạo nhiều ngân hàng vẫn e ngại phải “đốt đuốc” đi tìm khách hàng. Với cơ cấu tín dụng chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu, lợi nhuận của nhiều ngân hàng đứng trước khả năng thu hẹp so với năm ngoái.

Như thường lệ, các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank… lần lượt công bố giảm lãi suất cho vay vốn đối với đồng Việt Nam (VND). Theo đó, lãi suất thấp nhất trên thị trường chỉ còn 14,5%/năm, thuộc về ngân hàng Vietcombank và Agribank, áp dụng cho những khách hàng khu vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu. Quyết định của những ngân hàng lớn đã kéo một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng nhập cuộc giảm lãi suất như ACB, VIB, HDBank…

 

Vốn rẻ không hạn chế?

 

Theo chủ tịch hội đồng thành viên ngân hàng Agribank Nguyễn Ngọc Bảo, dư nợ tín dụng của Agribank năm 2012 tăng thêm khoảng 54.000 tỉ đồng, trong đó, vốn trung, dài hạn khoảng 10.000 tỉ đồng, còn lại là vốn ngắn hạn. Với câu hỏi, ngân hàng dự kiến cung cấp bao nhiêu lượng vốn được hưởng lãi suất thấp, một đại diện của Agribank cho biết: chưa thể lượng hoá được. Bởi Agribank có quy mô tín dụng rất lớn, đối tượng khách hàng rất đa dạng, trường hợp nào đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng sẽ được vay vốn, theo mức lãi suất quy định. Cụ thể, ngân hàng tập trung và ưu đãi lãi suất cho những dự án dài hạn, thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, như sản xuất, chế biến nông thuỷ sản, chăn nuôi…

 

Tương tự, tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh, cho biết, đối tượng được hưởng mức lãi suất ưu đãi nhất của Vietcombank (14,5%/năm) là những khách hàng xuất khẩu thanh toán qua ngân hàng. “Khách hàng cứ đạt yêu cầu là chúng tôi cho vay, lượng vốn không hạn chế”, ông Thanh nói. Theo đó, dư nợ hiện tại của Vietcombank khoảng hơn 200.000 tỉ đồng, khách hàng tới hạn trả nợ có nhu cầu vay tiếp sẽ được hưởng ngay mức lãi suất mới, cộng với lượng tín dụng được tăng thêm (17%) khoảng gần 40.000 tỉ đồng.

 

VIB công bố, gói tín dụng được hưởng lãi suất thấp hơn lãi suất bình quân 1,5% năm là 4.000 tỉ đồng, áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu. Tổng giám đốc ngân hàng HDBank Nguyễn Hữu Đặng, thông tin, lượng vốn được hưởng lãi suất thấp được ngân hàng cung cấp, cho khách hàng nông nghiệp, nông thôn là 1.500 tỉ đồng và lượng vốn này sẽ được điều chỉnh tuỳ thời điểm, theo khả năng của ngân hàng và nhu cầu của thị trường.

 

Ngân hàng lo điều chỉnh lợi nhuận

 

Giảm lãi suất, song lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng bày tỏ e ngại khả năng hấp thu của thị trường. Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh, cho biết, mặc dù được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 17%, song ngân hàng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 15% trong năm nay. Nguyên nhân, theo ông Thanh, thị trường đầu ra của doanh nghiệp năm nay được nhận định sẽ gặp nhiều khó khăn. Năm 2011, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank tập trung phục vụ cho hoạt động xuất khẩu, song nhiều trong số những khách hàng này đã bắt đầu phải đối mặt với khó khăn từ cuối năm ngoái, thị trường chững lại và tiếp tục đà suy giảm trong những tháng đầu năm 2012. “Gạo, thuỷ sản, tiêu, điều… đều rớt giá trên thị trường thế giới, sức mua giảm mạnh. Các doanh nghiệp vay vốn của chúng tôi đang đứng trước bài toán đau đầu là sản xuất rồi bán cho ai?”, ông Thanh nói. Do vậy, các doanh nghiệp vẫn lo lắng, vay vốn lãi suất như hiện nay – dù đã thấp hơn rất nhiều so với năm ngoái – mà không bán được hàng thì cũng... “chết”.

 

“Chênh lệch lãi suất huy động và cho vay rất thấp, nợ xấu tăng, dự phòng rủi ro phải lớn. Lợi nhuận của Vietcombank năm nay không trông mong gì nhiều vào khu vực tín dụng. Chúng tôi sẽ phải tăng nguồn thu từ nhiều hoạt động khác để bù đắp. Nhưng e rằng kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm nay sẽ bị ảnh hưởng”, ông Thanh lo lắng.

 

Sức ép lợi nhuận trên vai các ngân hàng thương mại cổ phần càng lớn. Tổng giám đốc một ngân hàng tại TP.HCM, cho biết, suốt thời gian qua, ngân hàng phải huy động với lãi suất rất cao và hiện mức giảm vẫn chưa đáng kể. Các ngân hàng lớn, vốn sức ép lợi nhuận không cao, giảm mạnh lãi suất, các ngân hàng nhỏ khó mà đứng ngoài cuộc, trong khi chi phí đầu vào vẫn đắt đỏ, nên lợi nhuận khó đạt mục tiêu. “Đại hội cổ đông vào tháng 3 tới, chúng tôi dự kiến sẽ trình kế hoạch điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận”, ông này cho biết.

 

Chủ tịch hội đồng thành viên Agribank cho biết, từ 1.3, ngân hàng này cũng sẽ rà soát lại, cả về nhân sự, hoạt động, nhằm tiết giảm tối đa chi phí, đồng thời cơ cấu lại nợ theo hướng đôn đốc thu hồi nợ, bán, chuyển đổi dự án… nhằm cân đối nguồn vốn, đảm bảo doanh thu, lợi nhuận cho một năm được dự báo rất nhiều khó khăn.

 

Theo Thảo Nguyễn

SGTT