Hạ lãi suất: Cần thêm mệnh lệnh từ Thủ tướng?

Sau nhiều chỉ đạo từ Chính phủ và Thủ tướng nhưng lãi suất vẫn chưa hạ. Vấn đề giảm lãi suất cho vay có lẽ cần thêm sức ép mới, có thể đó phải là một mệnh lệnh từ Thủ tướng.

Dù điều đó mang dấu ấn hành chính nhưng nếu đạt được mục đích hạ lãi suất thì là điều đáng trông đợi.
 
Tiền của ngân hàng chảy vào đâu?

 

Nếu "khó khăn thanh khoản" chỉ là một bức bình phong, hay một cái cớ để các NHNN và các ngân hàng chưa giảm lãi suất cho vay, bỏ mặc các DN "chết lâm sàng", trong khi có thể âm thầm sử dụng nguồn tài chính của mình vào việc khác thì đòi hỏi hạ lãi suất thực sự phải cần những sức ép lớn hơn.

 

Nhất là khi qua nhiều lần nhắc nhở của Thủ tướng (cộng thêm hai lần trong hai nghị quyết tháng 12/2011 và tháng 1/2012), mà lãi suất vẫn chưa được NHNN tổ chức biện pháp kéo giảm.

 

Với ngân hàng, trong năm 2011, khi phần lớn giới DN điêu đứng thì  không bao giờ, không một chu kỳ ngắn hạn nào mà dòng vốn của NH lại không "lãi mẹ đẻ lãi con". Và ví dụ "ngồi mát ăn bát vàng" quả là không sai.

 

Hoạt động chu chuyển tạo lãi của các NHTM đã liên tục vận động trong năm 2011. Trong bối cảnh các thị trường bất động sản, chứng khoán liên tiếp suy thoái, còn thị trường ngoại tệ không có sóng đầu cơ, chỉ còn duy nhất thị trường vàng sôi động.

 

Còn vào năm 2012 này, dòng tiền từ ngân hàng và các công ty kinh doanh vàng, sau khi đã "thoát hàng và chốt lãi" từ vàng, sẽ dịch chuyển đi đâu?

 

Đầu 2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận định: "Vàng sẽ là kênh đầu tư rủi ro rất cao" và đã trùng hợp với độ kéo giảm đáng kể của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới cũng từ đầu tháng Giêng năm nay đến.

 

Cùng khoảng thời gian trên, thị trường chứng khoán lại "bỗng dưng" có dấu hiệu lập đáy. Lập đáy rồi từ đó cứ thế mà đi lên, dù trong vô số hoài nghi. Trong khi đó, thị trường ngoại tệ, vàng và bất động sản vẫn tiếp tục kéo ngang với mức thanh khoản ngày càng tồi tệ.

 

Liệu có chăng dòng tiền từ hệ thống ngân hàng đang có khuynh hướng dịch chuyển vào khu vực chứng khoán. Điều này cũng là suy đoán khi nương theo quy luật "nước chảy chỗ trũng", tiền sẽ được dổ vào thị trường nào có tỷ lệ sụt giảm lớn nhất.

 

DN hay chứng khoán?

 

Chứng khoán chính là thị trường đã sụt giảm kinh khủng nhất. Nhớ lại, trong con sóng phục hồi năm 2009, chỉ số chứng khoán đã tăng 2,6 lần trong vòng 8 tháng, cùng giá nhiều cổ phiếu bluechip tăng từ 3-4 lần. Đó là một tỷ lệ lợi nhuận không tưởng nếu so với mọi kế hoạch cho vay DN.

 

Và như thế, trong bài toán kinh doanh của các ngân hàng, việc cho vay trung hạn và dài hạn, kể cả ngắn hạn đối với các DN sẽ không thể nào có lời lãi bằng mục tiêu đầu cơ chứng khoán.

 

Đã có những tín hiệu và cho thấy thị trường chứng khoán đã chính thức lập đáy vào đầu năm 2012. Và lần này, nếu thị trường chứng khoán cũng được "đánh lên" như năm 2009 thì sao?

 

Và nếu như thế, chỉ có thể nói rằng ít ra trong 6 tháng đầu năm 2012, cơ hội giảm lãi suất sẽ rất ít.

 

Trong khi đó, các DN sản xuất, nông nghiệp và xuất khẩu, kể cả những DN kinh doanh ngành nghề khác cứ dài cổ ngóng dợi. Nhưng với cái viễn cảnh tiền được dùng để đầu cơ chứng khoán thay vì cho vay, chắc chắn sẽ có nhiều DN không thể chịu nổi sự hành hạ mà phải từ bỏ sự tồn tại của mình.

 

Kéo theo đó là nhiều, rất nhiều công nhân và gia đình của họ sẽ lâm vào tình trạng mất thu nhập, không thể trang trải các chi phí sinh hoạt, từ đó sẽ gây phát sinh những hệ quả xã hội khó lường.

 

Trước Tết vừa qua, hiện tượng hàng trăm ngàn công nhân không có tiền mua vé tàu về quê, phải ngậm ngùi đón một cái Tết trống rỗng ở đô thị, phải chăng vẫn chưa đủ để làm cho NHNN và các đại gia ngân hàng xao lòng?

 

Hạ lãi suất: Cần một mệnh lệnh

 

Tất cả những DN nào không tồn tại được thì hoặc sẽ bị giải thể, phá sản, hoặc sẽ bị "tái cấu trúc". Cũng như cách tái cấu trúc ngân hàng, không có một sự xót thương nào trong mục tiêu thâu tóm. Và thời gian mà các DN lây lất đến cùng cực cũng là những tháng vàng cho các nhóm tài phiệt tiến hành hoạt động "gom hàng giá rẻ"...

 

Trong thực tế, việc Chính phủ giao cho NHNN tự quyết định về thời điểm giảm lãi suất cũng tương ứng với việc kéo dài nỗi khổ và rút nhanh thời gian đến "cái chết" của các DN.

 

Có lẽ, bây giờ tất cả chỉ còn trông vào Thủ tướng với những chỉ đạo mạnh mẽ hơn đối với lãi suất. Trong suốt thời gian qua, Thủ tướng đã rất quan tâm đến việc hạ lãi suất và đã nhiều lần chỉ đạo thực hiện. Tất nhiên, điều này đang được DN mong chờ, bởi vì như nhiều chuyên gia đã nhận định, để cứu sống các DN, lãi suất cho vay hợp lý hiện thời chỉ nên ở mức 15-17%.

 

Theo Viết Lê Quân
VEF