Ngân hàng: Giảm lãi cho vay tiếp thì sẽ lỗ

Thảo Thu

(Dân trí) - Lãnh đạo ngân hàng cho biết ngân hàng đang thừa vốn nhưng đã giảm lãi vay ở các khoản vay cũ, mới, giảm nữa là có thể lỗ. Doanh nghiệp kiến nghị ngành ngân hàng giảm lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ.

Tại hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp địa bàn tỉnh Bắc Ninh diễn ra ngày 28/9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết Bắc Ninh là đô thị vệ tinh gần Thủ đô Hà Nội nhất, tiếp giáp với các trung tâm kinh tế lớn của phía Bắc.

"Bắc Ninh là tỉnh trong nhiều năm lọt vào top đầu các tỉnh về tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. 8 tháng đầu năm, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh cũng có nhiều điểm sáng", Phó thống đốc nói.

Dù vậy, đến hết tháng 8, tăng trưởng tín dụng của tỉnh đạt 5,8%, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành là 5,56% song khoảng cách cũng không quá lớn.

Ngân hàng: Giảm lãi cho vay tiếp thì sẽ lỗ - 1

Phó thống đốc Phạm Thanh Hà tại hội nghị (Ảnh: BTC).

Doanh nghiệp muốn giảm tiếp lãi suất

Bà Nguyễn Thị Bích Hồng - Giám đốc điều hành Hyundai Bắc Ninh - cho biết giai dù Chính phủ đã mở cửa lại hầu hết các ngành nghề và đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hồi phục sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị vẫn chưa thể hồi sinh.

Bà Hồng cho rằng các doanh nghiệp đang cần thêm các chính sách chuyên biệt về cơ chế mang tính đặc thù, chính sách tài chính, nguồn vốn tín dụng ưu đãi... của hệ thống ngân hàng.

Về những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp, bà Hồng đề cập đến câu chuyện các chính sách và quy định của ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp khi vay vốn phải cung cấp báo cáo thuế hoặc báo cáo kiểm toán. "Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không đáp ứng kịp thời yêu cầu này", bà Hồng nói.

Ngân hàng: Giảm lãi cho vay tiếp thì sẽ lỗ - 2

Doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp đang cần thêm các chính sách chuyên biệt về cơ chế mang tính đặc thù (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Bà Hồng kiến nghị ngành ngân hàng giảm tiếp lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phù hợp với hoàn cảnh của doanh nghiệp hiện tại.

Bà Hồng cũng đề xuất việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp khó khăn. "Mối quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh. Doanh nghiệp khỏe thì ngân hàng khỏe, doanh nghiệp yếu thì ngân hàng cũng khó khăn", bà nói.

Bà Hồng nhấn mạnh vấn đề hỗ trợ trả nợ đi đôi với vấn đề dòng vốn tín dụng tiếp sức cũng phải đảm bảo nhanh và kịp thời cho các doanh nghiệp có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời.

"Ngân hàng cũng rất khó khăn"

Tại hội nghị, ông Nguyễn Việt Sáng - Giám đốc LPBank chi nhánh Bắc Ninh - đề cập đến câu chuyện doanh nghiệp khó khăn, hàng tồn kho lớn. Một số doanh nghiệp bất động sản không bán được hàng, chưa có tiền trả lãi.

Ông Sáng nói chi nhánh ngân hàng có nhiều ưu đãi vay, "đã tung lên Zalo, Facebook". Ông cho biết lãi suất của các ngân hàng đang có mặt bằng tương đương, "nếu LPBank lãi cao hơn thì không ai vay cả".

Ông Sáng thông tin LPBank chi nhánh Bắc Ninh tăng trưởng tín dụng khó khăn. "Đây là do sức hấp thụ của nền kinh tế khó khăn, đi đến đâu cũng thấy khó khăn. Tôi dự đoán có thể còn khó hơn nữa, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất", vị này nói.

Ông Sáng nói phía ngân hàng cũng đang rất khó khăn. "LPBank đang thừa vốn, chúng tôi tìm cách đẩy vốn nhưng nền kinh tế không hấp thụ được", ông nói.

Ông nói "không ai hiểu doanh nghiệp bằng ngân hàng". Phía ngân hàng đã giảm lãi vay ở các khoản vay cũ và mới, nếu giảm nữa có thể lỗ. "Ngân hàng đang là doanh nghiệp có hiệu quả sản xuất thấp nhất", vị này nói và cho rằng cả phía ngân hàng và doanh nghiệp đều cần "bớt lại một chút, hỗ trợ nhau".

Ngân hàng: Giảm lãi cho vay tiếp thì sẽ lỗ - 3

Nhiều doanh nghiệp do khó khăn nên không mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, không phát sinh nhu cầu vay vốn (Ảnh: Mạnh Quân).

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Phó tổng giám đốc BIDV - cũng cho biết dù đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bà Giao nói nhiều doanh nghiệp do khó khăn nên không mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, không phát sinh nhu cầu vay vốn.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không có đủ tài sản đảm bảo để đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng cao để phát triển sản xuất kinh doanh. "Việc triển khai các cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa hiệu quả, gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, ít doanh nghiệp tiếp cận được", bà Giao nói.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng đề cập đến số liệu cơ cấu nhóm nợ và giữ nguyên nhóm nợ tại tỉnh. Theo đó, Bắc Ninh đã cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02 cho hơn 90 lượt khách hàng, với tổng số tiền là 280 tỷ đồng.

Ông Phượng nói tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới có thể còn nhiều thách thức, biến động, bất định, khó lường. "Sức ép tỷ giá cũng có thể ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp", ông nói. "Trước đây doanh nghiệp phải đi tìm ngân hàng, giờ ngân hàng phải đi tìm doanh nghiệp", ông nói thêm.

Ông Phượng đề nghị phía ngân hàng tỉnh Bắc Ninh tiếp tục triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp nhằm tăng khả năng hấp thụ cho nền kinh tế. Ông cũng đề nghị tăng cường kết nối giữa ngân hàng - doanh nghiệp thông qua đối thoại trực tiếp, duy trì và phát huy đường dây nóng của người dân về việc tiếp cận tín dụng để chủ động xử lý và có giải pháp hợp lý.

"Ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, cắt giảm thủ tục hành chính và các loại phí không cần thiết, để có dư địa giảm tiếp lãi suất cho vay và tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp", ông nhấn mạnh.