1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ông Trần Sỹ Thanh:

"Doanh nghiệp không còn khả năng hấp thụ, đưa nhân sâm vào cũng chết"

Thảo Thu

(Dân trí) - Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - mong ngân hàng tiếp tục quan tâm thêm về các vấn đề tín dụng để các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận được nguồn vốn kịp thời, khi còn khả năng hấp thụ.

Báo cáo về vấn đề tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế tại Hội nghị kết nối doanh nghiệp - ngân hàng trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức ngày 21/9, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến ngày 15/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 5,56%.

Trong khi đó, trên địa bàn TP Hà Nội, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối năm 2022, cao hơn mức tăng của toàn quốc và vùng đồng bằng sông hồng là 8,35%.

Quy mô tín dụng của Hà Nội đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau TPHCM.

Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - tại hội nghị đánh giá cao những nỗ lực của ngành ngân hàng trong thời gian qua để giúp đỡ các doanh nghiệp trên địa bàn.

Ông Thanh nhắc đến việc Hà Nội là địa bàn đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đồng thời là nơi đóng trụ sở tập đoàn của các doanh nghiệp lớn.

Doanh nghiệp không còn khả năng hấp thụ, đưa nhân sâm vào cũng chết - 1

Dư nợ tín dụng của Hà Nội đến cuối tháng 8 ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Ông Thanh nhắc lại sự cố với SCB, xảy ra vào tháng 10 năm ngoái. Ông gọi đây là "cơn bão lớn", đe dọa sự ổn định của cả hệ thống ngân hàng, gây nguy cơ nghiêm trọng, có tính lây lan. "Tuy nhiên đến thời điểm này, mọi việc được Ngân hàng Nhà nước xử lý tốt", lãnh đạo TP Hà Nội nhận xét.

Trước phản ánh của doanh nghiệp về câu chuyện phải chịu trả phí trước hạn cao nếu vay vốn ngân hàng khác để trả nợ, Chủ tịch TP Hà Nội đề nghị các ngân hàng xem xét lại cách tổ chức, quy trình cho vay trong từng bối cảnh cụ thể để có ứng xử phù hợp. Ông ví von câu chuyện này với tình cảnh "nước không cho uống, bắt đi cày để trả nợ"

"Các ngân hàng có thẩm quyền để có thể có khung đối chiếu công tâm và khách quan với từng doanh nghiệp", ông nói.

Ông Thanh cũng mong ngành ngân hàng tiếp tục quan tâm thêm để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn kịp thời, khi còn khả năng hấp thụ. "Khi không còn khả năng hấp thụ, đưa nhân sâm vào cũng chết", ông cho hay.

Ông Thanh nói có những gói hỗ trợ lãi suất, có tới 29% doanh nghiệp được khảo sát không biết.

"Truyền thông không phải chỉ là đưa lên tivi, phát vào thời sự. Tivi giờ ít người xem lắm. Doanh nghiệp thì suốt ngày lăn lộn trên xe, trên đường, 7-8h tối không về tới nhà", ông Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng về việc truyền thông các ưu đãi tín dụng đến doanh nghiệp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Nguyễn Thị Hồng ghi nhận ý kiến của Chủ tịch TP Hà Nội cũng như đại diện các doanh nghiệp tại hội nghị.

Lãnh đạo đơn vị điều hành tiền tệ cho biết thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực, đồng thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo tổ chức tín dụng tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề; đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vẫn than khó 

Dù có mức tăng trưởng tín dụng tốt, song việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chưa thực sự tốt. Đại diện nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn.

Một trong những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải là câu chuyện phí trả nợ trước hạn cao. Theo ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI) - doanh nghiệp trả nợ trước hạn song lại bị phạt trả lãi trước hạn, có khi lên đến 5%.

Một số đại diện doanh nghiệp khác thì đề cập câu chuyện lãi suất cao khiến doanh nghiệp không tối ưu được chi phí trong bối cảnh đầu ra khó; mong được tiếp cận cơ chế tín dụng đặc thù với từng ngành nghề...