Ngân hàng vào cuộc đua cho khách vay tiền để trả nợ ngân hàng khác
(Dân trí) - Thông tư mới tạo thuận lợi cho khách hàng đảo nợ, tránh nguy cơ rơi vào nợ xấu, song không phải ngân hàng nào cũng muốn mất khách nên có thể không dễ có làn sóng vay ngân hàng này để trả nợ bên khác.
Vay lãi suất thấp chưa hẳn là tin vui
Ngọc Hoa (TPHCM) vay 900 triệu đồng mua nhà từ năm 2020 với thời hạn 20 năm tại một ngân hàng tư nhân. Khi ấy, lãi suất là 9,3%/năm trong năm đầu, sau tăng lên 11,9%/năm năm thứ 2. Số tiền thực trả mỗi tháng là khoảng 10 triệu đồng, trong đó gần 3 triệu nợ gốc.
Có thời điểm, lãi suất lên đến gần 14%/năm song Hoa cho biết hiện còn nợ ngân hàng khoảng 500 triệu đồng với lãi suất 12,5%/năm.
Gần đây, Hoa được biết về quy định "ngân hàng được cho khách vay vốn để trả nợ khoản vay ở ngân hàng khác". Cô cho biết mức lãi suất của một số ngân hàng tung ra gần đây hấp dẫn. Tuy nhiên, chưa có nhiều ngân hàng chính thức đưa ra các phương án vay nên cô còn chần chừ và đợi thêm các ngân hàng khác.
Dù vui nhưng Hoa chia sẻ, mức lãi hấp dẫn thực tế chỉ có trong thời gian ưu đãi tối đa 2 năm. Còn từ các năm tiếp theo, lãi sẽ thả nổi theo thị trường khi tính lãi cơ sở cộng thêm biên độ. "Hiện tại lãi đầu vào thấp nhưng sau thời gian ưu đãi có thể lãi sẽ tăng", Hoa cho hay.
Với nhiều người, việc được vay ngân hàng khác với lãi suất thấp cũng chưa hẳn là tin vui. Anh Ngọc (Hà Nội) băn khoăn về điều kiện còn lại về thời hạn và chưa thực hiện cơ cấu vẫn được giữ nguyên, tức chỉ được vay ở ngân hàng khác nếu thời hạn vay ngắn hơn thời hạn vay còn lại của nợ cũ.
Điều này có nghĩa là với những khách sắp đến hạn trả nợ ở ngân hàng cũ, dù có thêm thời gian vay ngân hàng khác để trả, thì thời gian cũng rất ngắn.
Còn với khách có thời hạn trả nợ ngân hàng còn dài, muốn vay đơn vị khác với lãi suất thấp, lại lo phải trả phí phạt trả nợ trước hạn. Anh Ngọc đang chờ thêm các ngân hàng tung ra các gói để cân nhắc các khoản phí sau đó mới quyết định.
"Dù vay ngân hàng mới với lãi suất thấp ưu đãi năm đầu, nhưng chuyển sang vay ngân hàng khác cộng thêm chi phí tất toán, phí trả trước hạn, chi phí thực hiện khoản vay mới… lãi suất thực cũng đã nhảy vọt lên 10-11%/năm", anh Ngọc nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, một số ngân hàng đã bắt đầu tung ra các chương trình cho vay mới từ đầu tháng 9 nhằm phục vụ khách muốn trả nợ ngân hàng khác. Thời gian cho vay của nhiều ngân hàng kéo dài tới 30 năm, điều kiện là không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại tổ chức tín dụng khác.
Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Ngay sau đó, BIDV đưa ra mức lãi suất 6%/năm và mức cho vay 100% dư nợ gốc còn lại.
Về chính sách thì nhiều bên áp dụng việc khách hàng có thể dùng chính tài sản bảo đảm đang thế chấp tại ngân hàng khác hoặc tiền gửi, bất động sản khác của người vay hay người thân để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại ngân hàng mới, đồng thời sử dụng nguồn trả nợ linh hoạt qua tài sản khách hàng sở hữu.
Kỳ vọng gì ở làn sóng "vay ngân hàng A để trả nợ ngân hàng B"?
Những quy định mới, hiện có thể chưa đáp ứng kỳ vọng của số đông, song việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng khác được kỳ vọng sẽ tạo ra một làn sóng giảm lãi suất cho vay thực chất và nhanh từ nay tới cuối năm.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 3/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,44 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,29% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14-15%. Phó thống đốc Đào Minh Tú trong cuộc họp gần đây cũng phải thừa nhận chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ lại khó khăn như hiện nay.
Sự "mở màn" của những ngân hàng trên, được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đơn vị đưa ra mức lãi suất ưu đãi, tạo môi trường lãi suất thấp đến cuối năm, vừa giúp khách hàng được vay với mức lãi rẻ, vừa giúp ngân hàng cải thiện tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn.
Nhưng thực tế, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh lưu ý, dù tạo thuận lợi cho khách hàng đảo nợ, tránh nguy cơ rơi vào nợ xấu, song không phải ngân hàng nào cũng muốn mất khách.
Theo đó, các ngân hàng cũng sẽ phải cố gắng giữ lại khách hàng tốt bằng việc cạnh tranh giảm lãi suất khoản vay cũ và thêm các chương trình ưu đãi. Điều này có nghĩa không dễ để có làn sóng khách hàng chuyển các khoản nợ từ nhóm ngân hàng lãi suất cao sang ngân hàng lãi suất thấp hơn.
Chỉ những đơn vị có chi phí vốn đầu vào thấp được cho là sẽ có lợi thế cạnh tranh trong câu chuyện cho vay để khách trả khoản nợ vay khác. Trong đó, một số nhà băng quy mô lớn và tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao như Vietcombank, MB, Techcombank… có chi phí vốn đầu vào thấp sẽ chiếm lợi thế.
Trong nhóm ngân hàng cổ phần, CASA của Techcombank tương đối cao. Quý II vừa qua, ngân hàng này có tỷ lệ CASA đạt gần 35%, phục hồi trở lại sau 4 quý nghịch chiều. Tiền gửi khách hàng tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng tiền gửi khách hàng là 381.900 tỷ đồng, số dư CASA đạt 133.400 tỷ đồng, tăng 7,5% so với quý trước và 12,6% so với cùng kỳ năm 2022.
"Những ngân hàng nắm bắt cơ hội tốt, có lợi thế về nguồn vốn, thiết kế các khoản vay phù hợp mới có khả năng tăng trưởng tín dụng tốt hơn", chuyên gia nhận định.
Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay, với điều kiện tiếp cận vốn dễ dàng đã bắt đầu có hiệu lực từ 1/9.
Theo đó, tại Thông tư cũ, việc vay vốn để trả khoản vay tại tổ chức tín dụng khác sẽ không được phép thực hiện, trừ trường hợp là vay trả nợ trước hạn khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh, có thời hạn vay ngắn hơn thời hạn vay còn lại của nợ cũ và chưa thực hiện cơ cấu.
Tuy nhiên, tại Thông tư 06, giới hạn "phục vụ hoạt động kinh doanh" không còn được đề cập. 2 điều kiện còn lại về thời hạn và chưa thực hiện cơ cấu được giữ nguyên.
Các ngân hàng có thể cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích phục vụ nhu cầu khác ngoài hoạt động kinh doanh, như các khoản nợ vay mua nhà, ô tô.