Ngân hàng dè dặt với mục tiêu lợi nhuận, có lý do là lo bảo hiểm bị siết?

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Sau 2 năm tăng "nóng", ngân hàng dự kiến tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc trong năm nay trước bối cảnh toàn ngành phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc bán chéo bảo hiểm bị kiểm soát.

Hàng loạt nhà băng mới đây đã hé lộ kế hoạch tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên và đưa ra mục tiêu kinh doanh năm 2023 để trình cổ đông. Điểm chung là kế hoạch đặt ra có phần giảm tốc so với mức thực hiện năm 2022.

Ngân hàng đặt mục tiêu thận trọng

Vietcombank đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm trước, ước vượt 41.000 tỷ đồng. Quy đổi theo tỷ giá USD hiện tại, mức lợi nhuận này tương ứng 1,73 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nhìn vào năm 2022 vừa rồi khi mà ngân hàng này lãi kỷ lục 37.359 tỷ đồng thì con số tăng trưởng 12% năm nay chỉ bằng 1/3 mức thực hiện năm liền trước.

Kế hoạch kinh doanh trên được nhà băng này đưa ra dựa trên dự báo kinh tế thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, lãi suất tiếp tục ở mức cao nhằm kiểm soát lạm phát, thương mại toàn cầu giảm do tổng cầu suy giảm, tắc nghẽn nguồn cung. Vì lẽ đó, triển vọng kinh tế Việt Nam 2023 cũng đan xen giữa thách thức và cơ hội.

Diễn biến có phần tương tự tại Eximbank khi nhà băng này đặt mục tiêu lãi trước thuế năm 2023 đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 35%. Dù kỳ vọng tăng trưởng ở mức 2 chữ số, nhưng thực tế, mục tiêu tăng trưởng này thấp hơn rất nhiều so với kết quả đã đạt được trong năm vừa qua. Năm 2022, Eximbank lãi trước thuế 3.709 tỷ đồng, tăng 207% so với năm liền trước.

NamABank cũng đặt ra kế hoạch tăng trưởng so với năm ngoái, với lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 kỳ vọng đạt 2.400 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với năm trước. Trước đó, năm 2022, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận năm tăng tới 25% so với năm 2021, ở mức 2.250 tỷ đồng.

Đánh giá về môi trường kinh doanh năm nay, lãnh đạo NamABank cho biết kinh tế thế giới được dự báo bắt đầu đi vào chu kỳ kiểm soát lạm phát và khủng hoảng, trần lãi suất các khu vực có xu hướng giảm. Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,5% và lạm phát duy trì mức 4,5%. Ngành ngân hàng theo đó sẽ triển khai những chính sách phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi đồng thời đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng trên.

Ngân hàng dè dặt với mục tiêu lợi nhuận, có lý do là lo bảo hiểm bị siết? - 1

Nhiều ngân hàng dự kiến tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc trong năm nay (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

VIB cũng hạ mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế, từ mức 32% năm 2022 xuống 15% năm nay, tương đương mức lãi trước thuế kế hoạch 12.200 tỷ đồng.

Tăng trưởng toàn ngành sẽ giảm tốc?

Năm 2022 vừa qua, theo thống kê của Dân trí, có tới 22 ngân hàng tăng trưởng từ 2 chữ số, bất chấp những "gam màu" chưa sáng điểm xuyết trong năm. Hầu hết nhà băng "sống khỏe" đều đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn thu như thu từ dịch vụ như thẻ, bảo hiểm, thư tín dụng… 

Song nhìn về triển vọng kinh doanh năm 2023, hầu hết chuyên gia, công ty chứng khoán đều dự báo lợi nhuận sẽ tăng trưởng song giảm tốc và có sự phân hóa mạnh giữa các đơn vị.

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định sau 2 năm tăng trưởng lợi nhuận quá "nóng", làn sóng dè dặt đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 sẽ lan ra toàn ngành ngân hàng.

Ông Thịnh đưa ra nhận định, một số dịch vụ vốn mang lại nguồn thu lớn cho ngành ngân hàng các năm trước năm nay sẽ giảm tốc. Đơn cử, thị trường phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) bị kiểm soát chặt, tín dụng thắt chặt theo định hướng của cơ quan tiền tệ, hoạt động trái phiếu chậm lại… Ông Thịnh đánh giá không chỉ mục tiêu đặt ra mà kết quả thực hiện cũng sẽ không được như mọi năm.  

Ngân hàng dè dặt với mục tiêu lợi nhuận, có lý do là lo bảo hiểm bị siết? - 2

Các ngân hàng đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2023 có phần khiêm tốn (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Cũng theo ông, năm vừa rồi nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng cao, dẫn đến sẽ phải tăng trích lập dự phòng trong năm nay, điều này tác động trực tiếp tới lợi nhuận. Cụ thể, nợ xấu đến cuối năm 2022 có chiều hướng gia tăng tại một số nhà băng như Viet Capital Bank, LienVietPostBank, VIB, Saigonbank, GPBank, VietBank, SHB, Eximbank, VPBank…

Bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng phân tích định chế tài chính FiinGroup, cũng nhận định sau khi Thông tư 14/2021 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực từ cuối tháng 6 năm ngoái đã phản ánh vào bảng cân đối kế toán của ngân hàng.

"Rủi ro tín dụng hiện hữu và đang tăng lên ở lĩnh vực bất động sản. Tỷ lệ nợ xấu bất động sản năm 2022 là 1,81%, đã tăng thêm so với năm 2021. Tuy nhiên, con số này cũng chưa thể hiện hết rủi ro tiềm ẩn của bất động sản. Chất lượng tài sản của ngân hàng bị ảnh hưởng", bà Oanh nói. Theo đó, cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng lên 1,92%, tỷ lệ nợ xấu gộp khoảng 4,5%.

Bà Oanh đánh giá rủi ro hiện hữu và tăng lên xuất phát từ sự đóng băng của thị trường bất động sản - lĩnh vực đóng góp tới 21% dư nợ của toàn hệ thống tín dụng. Nợ xấu liên quan đến bất động sản cũng chiếm xấp xỉ 20% tổng quy mô nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các tổ chức tín dụng nên sự suy yếu của thị trường bất động sản cũng gây áp lực lên chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.

Tuy nhiên, theo bà, triển vọng cụ thể ra sao sẽ phụ thuộc vào bối cảnh vĩ mô, sự phục hồi cầu bất động sản và đặc biệt là yếu tố phân loại tháo gỡ pháp lý dự án bất động sản cũng như sự triển khai đồng điệu giữa việc cho phép tái cơ cấu nợ trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng ngân hàng trong thời gian tới đây được triển khai.

Năm 2022 vừa qua, lợi nhuận toàn ngành tăng khoảng 33% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo về mức tăng trưởng toàn ngành năm nay, các chuyên gia, công ty chứng khoán đều đưa ra con số tăng trưởng thận trọng, trong khoảng 10-15% so với năm 2022.