Hầu hết ngân hàng đến nay đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 và cả năm 2022. Dù chịu áp lực lạm phát toàn cầu cùng với các quy định mới hay những dự thảo sửa đổi quy định cũ chặt chẽ hơn trong ngành bất động sản và an toàn trong hoạt động ngân hàng, nhiều nhà băng vẫn tăng trưởng 2 chữ số, báo lãi hàng chục nghìn tỷ đồng trong năm 2022. Tuy nhiên, trong quý cuối năm 2022, sự phân hóa lợi nhuận bắt đầu rõ nét.
7 ngân hàng có lãi vượt 20.000 tỷ đồng
Theo thống kê sơ bộ của Dân trí, năm 2022, có tới 7 nhà băng ghi nhận lãi trước thuế vượt 20.000 tỷ đồng, trong đó có nhóm ngân hàng quốc doanh.
Vietcombank tiếp tục là "quán quân" ngành ngân hàng với lãi trước thuế cao nhất lịch sử, đạt gần 37.359 tỷ đồng, tăng gần 36% so với năm trước. Động lực chính thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng đến từ thu nhập lãi thuần tăng gần 11.000 tỷ đồng và giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng hơn 2.000 tỷ đồng.
2 ngân hàng quốc doanh khác là BIDV và VietinBank cũng có kết quả kinh doanh khả quan, đều hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VietinBank đạt hơn 21.113 tỷ đồng, cao hơn 20% so với năm 2021. BIDV đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 23.058 tỷ đồng.
Một cái tên khác trong nhóm Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước) là Agribank. Tuy chưa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2022 nhưng theo tiết lộ của Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Phượng, nhà băng này đã cơ bản hoàn thành kế hoạch được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước giao năm 2022. Như vậy, ước tính lợi nhuận Agribank cũng vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận của mỗi ngân hàng trong nhóm Big 4 năm 2022 đều tăng trưởng mạnh và xấp xỉ ngưỡng một tỷ USD. Trong "câu lạc bộ" tăng trưởng vượt 20.000 tỷ đồng, mức tăng trưởng mạnh nhất phải kể đến BIDV, với tỷ lệ lên tới 70%.
Còn ở nhóm ngân hàng tư nhân, Techcombank tiếp tục dẫn đầu với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 25.600 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Dù đứng thứ 2 toàn hệ thống, nhưng so với kế hoạch lợi nhuận 27.000 tỷ đồng đề ra hồi đầu năm, ngân hàng này mới thực hiện được gần 95%.
Đứng sau Techcombank, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của MB đạt 22.729 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2021.
VPBank là cái tên tiếp theo góp mặt trong danh sách lãi trên 20.000 tỷ đồng. Dù lợi nhuận quý IV/2022 giảm 47% so với cùng kỳ, song nhờ kết quả kinh doanh tích cực của những quý trước đó, VPBank vẫn lọt vào nhóm tăng trưởng mạnh nhất hệ thống với lợi nhuận lũy kế cả năm đạt 21.219 tỷ đồng, tăng 47,7% so với năm 2021.
Ở mức "khiêm tốn" hơn, nếu lấy dấu mốc 10.000 tỷ đồng, có thể kể đến thêm một số cái tên như ACB với 17.114 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, VIB là 10.581 tỷ đồng, HDBank là 10.268 tỷ đồng hay như SHB cũng tiệm cận mốc này với 9.659 tỷ đồng lợi nhuận.
22 ngân hàng tăng trưởng ở mức 2 chữ số, không bên nào lỗ
Thống kê của Dân trí cũng cho thấy có tới 22 ngân hàng tăng trưởng năm 2022 ở mức 2 chữ số. Thậm chí, Eximbank có mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 3 chữ số. Cụ thể, ngân hàng này tăng trưởng lợi nhuận từ mức 1.205 tỷ đồng năm 2021 lên 3.709 tỷ đồng năm 2022, tương ứng tăng 208%. Nếu tính riêng quý IV/2022, Eximbank lãi 239 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ năm 2021.
Một số nhà băng khác báo lợi nhuận tăng trưởng tích cực năm 2022 có thể kể đến như BIDV (70%), LienVietPostBank (56%), SeABank (55%), SHB (54%), VPBank (48%), Viet Capital Bank (46%)...
Năm 2022, không có đơn vị nào báo kết quả kinh doanh là con số âm, song mức tăng trưởng "đi lùi" có tới 4 cái tên là OCB lãi 4.389 tỷ đồng, giảm 20%, ABBank lãi 1.702 tỷ đồng, giảm 13%, Kienlongbank lãi 682 tỷ đồng, giảm 32%, NCB lãi 1,2 tỷ đồng, giảm 8%.
Nhưng nếu chỉ nhìn con số toàn bộ năm 2022, có lẽ chưa thấy được toàn cảnh lợi nhuận do 3 quý đầu năm ngành ngân hàng nhìn chung thiết lập mặt bằng lợi nhuận tích cực. Nhìn vào con số kinh doanh riêng quý cuối năm ngoái, sẽ thấy đã có sự phân hóa lợi nhuận nhất định khi một số nhà băng dù báo lãi song con số tăng trưởng thì "đi lùi".
Cụ thể, riêng trong quý IV/2022, có đến 6 nhà băng ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ, trong đó SHB là ngân hàng giảm mạnh nhất, ở mức 48%. Theo sau là VPBank (-47%), Techcombank (-23%), NamABank (-5%), MB (-2%), OCB (-1%). Trong đó, ABBank là ngân hàng duy nhất báo lợi nhuận âm trong quý IV với mức lỗ là 45 tỷ đồng.
Vì sao ngành ngân hàng đạt kết quả tốt?
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 ghi nhận nhiều nhóm ngành kém khả quan như chứng khoán, bất động sản, thép, tiêu dùng… Tuy nhiên, ngân hàng vẫn đạt kết quả ấn tượng khi tổng lợi nhuận trước thuế của 26 ngân hàng công bố báo cáo tài chính đến hết năm 2022 vẫn tăng khoảng 33% so với cùng kỳ năm 2021.
Hầu hết nhà băng "sống khỏe" đều đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn thu như thu từ dịch vụ như thẻ, bảo hiểm, thư tín dụng… Đặc biệt, nhiều ngân hàng vẫn "sống khỏe" trong năm qua nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức cao. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến hết ngày 31/12/2022 đạt 14,5%, cao hơn mức đạt được của năm 2021 là 13,61%.
Ông Đặng Trần Phục, lãnh đạo một tổ chức chuyên về tài chính, chỉ ra một số nguyên nhân giúp ngành ngân hàng "ngược dòng" thị trường. Theo ông, hệ thống ngân hàng ngày càng cải thiện chất lượng quản trị rủi ro nên có đủ khả năng vượt qua khó khăn của giai đoạn kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
"Ngân hàng cũng ứng dụng công nghệ mạnh, giúp chi phí giảm bớt, điều này khiến lợi nhuận ngân hàng tăng tốt", ông Phục nói. Song song đó, các nhà băng nâng cao khoản thu nhập liên quan đến dịch vụ như bán bảo hiểm, thanh toán không dùng tiền mặt…
Ngoài ra, hiện có 3 kênh huy động vốn chính là chứng khoán, tín dụng, trái phiếu song 2 kênh chứng khoán, trái phiếu đang "ảm đạm" hơn. Khi 2 kênh còn lại khó khăn, ngân hàng sẽ "ăn" thêm được thị phần.
"Đặc biệt, những năm qua, ngân hàng không ngừng tăng vốn do quy định không được chia cổ tức tiền mặt giúp nhóm này được giữ lại lợi nhuận, huy động được nhiều vốn thông qua phát hành cổ phiếu", ông Phục cho hay.
Những gam màu chưa sáng
Tuy nhiên, năm 2022, ngành ngân hàng không chỉ đón những tin tích cực. Nửa cuối năm, lợi nhuận ngành ngân hàng đã được nhiều chuyên gia và các công ty chứng khoán dự báo có khả năng không còn giữ được "phong độ" so với năm 2021 do những yếu tố liên quan như biên lãi thuần (NIM) có xu hướng giảm khi lãi suất đầu vào có xu hướng tăng hay khả năng đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng vào cuối năm nay khi Thông tư 14/2021 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực từ cuối tháng 6.
Bên cạnh đó, nhiều thời điểm ngân hàng cạn room, tín dụng phải o ép chờ cơ quan điều hành "mở van". Chưa kể, thị trường trái phiếu, bất động sản, chứng khoán khó khăn hơn và câu chuyện tỷ giá tăng "nóng" năm 2022 cũng gây tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh chung của ngành ngân hàng… Mảng kinh doanh chứng khoán và ngoại hối trong năm qua của nhiều ngân hàng cũng đã báo tăng trưởng âm như Vietcombank, VietinBank, Techcombank, Sacombank… Hàng loạt nhà băng khác như VPBank, ACB, SHB, ABBank… cũng đều ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh chứng khoán thấp hơn so với năm 2021.
Còn nếu nhìn vào kết quả từng quý trong năm 2022, lợi nhuận các ngân hàng lại giảm dần đều. Cụ thể, trong quý I, tổng lợi nhuận các ngân hàng lập đỉnh 68.200 tỷ đồng. Sang quý II, con số này giảm xuống 63.724 tỷ đồng, quý II giảm về 60.576 tỷ đồng và chốt sổ quý IV cuối năm chỉ còn khoảng 53.664 tỷ đồng.
2023 dự báo còn phân hóa mạnh
Theo các chuyên gia, mức lợi nhuận ngành ngân hàng từ quý cuối 2022 đã có sự phân hóa, song đến năm 2023 sẽ còn rõ nét hơn.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Phân tích Thị trường tại một công ty chứng khoán, nhận định năm vừa rồi, hầu hết nhà băng đã đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn thu (bảo hiểm, thư tín dụng, chứng khoán, ngoại hối)… bên cạnh thu từ mảng cho vay.
Tuy nhiên, năm nay, hoạt động bảo hiểm liên kết đầu tư được bán chéo qua kênh ngân hàng (bancassurance) có thể sẽ giảm lại do nhiều ngân hàng đã phát triển quá mạnh năm vừa rồi, chưa kể có nhiều quy định mới trong Luật Kinh doanh bảo hiểm. Hoạt động tín dụng cũng có thể sẽ chậm lại so với năm 2022 theo định hướng của cơ quan quản lý tiền tệ. NIM (biên lãi ròng) hệ thống ngân hàng sẽ chịu áp lực thu hẹp do lãi suất huy động tăng mạnh.
"Hoạt động trái phiếu năm 2023 cũng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, việc sửa Nghị định 65 sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu", ông Khoa nói.
Ngoài ra, nhóm ngân hàng "đầu tàu" quốc doanh có thể chứng kiến mức độ suy giảm NIM nhiều hơn so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần bởi nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, ông Khoa cũng chỉ ra nhóm này sẽ được hỗ trợ, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước mới đây đã sửa quy định về cách tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR). Theo đó, dù giữ nguyên quy định về trần tỷ lệ LDR áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 85%, ngân hàng lại được tính một phần tiền gửi có kỳ hạn Kho bạc Nhà nước khi tính tỷ lệ LDR.
"Các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước là BIDV, Vietcombank, VietinBank sẽ được hưởng lợi khi tỷ lệ LDR mới giảm đáng kể", ông Khoa nhận định.
Ông Đặng Trần Phục cùng nhận định lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ phân hóa rõ rệt. Tâm điểm tác động đến bức tranh lợi nhuận năm nay, bên cạnh thị trường trái phiếu, theo ông Phục còn là bất động sản.
Theo chuyên gia, thị trường bất động sản ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Tình hình thị trường bất động sản khó khăn sẽ khiến bức tranh ngân hàng "kém sáng" và ngược lại. "Không chỉ cho vay lĩnh vực bất động sản kém đi mà tài sản đảm bảo cho các khoản vay, trái phiếu cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, làm chi phí dự phòng tín dụng tăng cao, thậm chí làm tăng nguy cơ nợ xấu", ông Phục nói.
Dự đoán lợi nhuận phân hóa, các chuyên gia dự báo bức tranh chung vẫn sẽ tiếp tục tươi sáng dù giảm tốc. Ông Phục cho rằng lợi nhuận chung của ngành vẫn tăng 10-15% trong năm 2023, trên cơ sở nhiều ngân hàng "đầu tàu" thuộc nhóm quốc doanh vẫn hoạt động tốt. "Những ngân hàng hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém cũng sẽ có động lực tăng trưởng mạnh", ông Phục nói.
Ông Bùi Nguyên Khoa đưa ra kịch bản tăng trưởng 10% cho ngành ngân hàng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng. Tuy vậy, khi sóng gió qua đi, những ngân hàng có định giá rẻ, bộ đệm vốn vững chắc, quản trị rủi ro, nguồn vốn tín dụng và chất lượng khách hàng tốt sẽ tăng trưởng mạnh.
Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước mới đây đưa ra cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng tỏ ra thận trọng hơn khi dự báo cho năm 2023, với 56,4-75,4% kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022. Có 95,3% tổ chức kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022. Chỉ 2,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi.