Những khoản nợ lạ lùng được ngân hàng ồ ạt rao bán
(Dân trí) - Ngân hàng rao bán nhiều khoản nợ "dở khóc dở cười", có khoản nợ gốc 8 triệu đồng với giá 3,6 tỷ đồng, có khoản nợ vay tiêu dùng chỉ... 13.200 đồng, có khoản thậm chí không có tài sản đảm bảo.
Khoản nợ gốc 8 triệu đồng được bán với giá 3,6 tỷ đồng
Agribank chi nhánh 5 mới đây đã rao bán khoản nợ của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia với tổng giá trị khoản nợ tạm tính đến ngày 12/9/2022 là gần 6,2 tỷ đồng. Trong đó, số nợ gốc chỉ 8 triệu đồng, còn lại là nợ lãi phát sinh.
Thậm chí, người trúng đấu giá phải tiếp tục trả tiền lãi phát sinh kể từ sau ngày 12/9/2022, cho đến khi Khang Gia thanh toán hết khoản nợ gốc 8 triệu đồng.
Khoản nợ tạm tính đến ngày 12/9/2022 là gần 6,2 tỷ đồng nhưng Agribank mong muốn thu về chỉ hơn 3,6 tỷ đồng trong lần rao bán này. Mức giá đã giảm gần một nửa so với mức 6,1 tỷ đồng được công bố vào ngày 13/9/2022.
Dù thế, phía Agribank chi nhánh 5 cho biết ngân hàng và đơn vị đấu giá không chịu trách nhiệm về tình trạng và các rủi ro tiềm ẩn của khoản nợ đấu giá cũng như tình trạng tranh chấp về tài sản bảo đảm của khoản nợ.
Khoản nợ của Khang Gia được hình thành từ 4 hợp đồng tín dụng được ký vào các năm 2012 và 2013. Tài sản đảm bảo cho các khoản vay gồm có 9 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất tại thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Tổng diện tích các lô đất này là hơn 555m2.
Bán khoản nợ nghìn tỷ đồng không còn tài sản đảm bảo
VietinBank chi nhánh KCN Biên Hòa thông báo đang phối hợp với tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp tiến hành các thủ tục bán đấu giá công khai khoản nợ của Công ty TNHH Việt Thuận Thành với tổng giá trị khoản nợ tạm tính theo sổ sách đến hết năm 2022 là hơn 1.297 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc gần 442 tỷ đồng, lãi cộng dồn hơn 70 tỷ đồng và lãi phạt quá hạn 148 tỷ đồng.
Đáng chú ý, VietinBank lưu ý khoản nợ trên không còn tài sản đảm bảo do đã xử lý bán đấu giá tài sản năm 2018. Trong lần rao bán trước đó, VietinBank ghi nhận khoản lãi cộng dồn đến 8/12/2022 đã là hơn 704 tỷ đồng.
Bán nợ vay tiêu dùng giá… 13.200 đồng
Ngay cả những khoản vay tiêu dùng với giá trị vài chục nghìn đồng cũng đang được ngân hàng mang ra thanh lý.
Cụ thể, VietinBank đang bán đấu giá 646 khoản nợ vay tiêu dùng của các cá nhân đã mất khả năng trả nợ và không có tài sản đảm bảo. Tổng giá trị sổ sách (gốc, lãi, lãi phạt) của các khoản nợ này là 12,7 tỷ đồng. Giá khởi điểm của các khoản nợ xấu này được ngân hàng rao bán đúng bằng giá trị sổ sách (gốc, lãi, lãi phạt). Tuy nhiên, ngân hàng cho biết có bán từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc bán tất cả khoản nợ cùng nhau.
Trong số này, khoản nợ thấp nhất có giá khởi điểm chỉ 13.216 đồng. Khoản nợ có giá trị cao nhất là hơn 206 triệu đồng.
Nhà băng này cũng lưu ý, giá khởi điểm kể trên không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản và các chi phí khác khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu.
VietinBank là một trong số ít nhà băng mang cả những khoản nợ vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân ra bán đấu giá. Nửa cuối năm 2022, ngân hàng này cũng rao bán hơn 600 khoản nợ vay tiêu dùng.
Liên tục rao bán nợ, có đáng lo?
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định giai đoạn năm 2020-2021, kinh tế suy giảm nhưng kết quả kinh doanh các nhà băng vẫn tăng trưởng "nóng", đồng thời đẩy mạnh hoạt động tín dụng.
Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến các khoản nợ xấu hiện ngày càng tăng do các khách hàng không có khả năng trả nợ.
Dù vậy, trước việc nhiều nhà băng liên tục rao bán các khoản nợ, chuyên gia nhận định đôi khi việc này chỉ mang tính thủ tục để ngân hàng hạch toán các khoản nợ xấu. "Để hạch toán thì phải làm các thủ tục, trong đó có rao bán nợ, ông nói. Ngân hàng thường là đơn vị rao bán, còn việc tổ chức đấu giá các khoản nợ lại do tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp do ngân hàng thuê thực hiện.
Theo ông Hiển, nhiều khoản nợ là trường hợp "cá biệt", chẳng hạn có tài sản đảm bảo là bất động sản pháp lý chưa hoàn chỉnh. Việc người mua phải tự chịu trách nhiệm pháp lý khiến việc rao bán kén khách.
Lý giải về việc hiện tại có nhiều khoản nợ đã được rao bán nhiều lần nhưng không có người mua, chuyên gia cho rằng là bình thường.
Ông nêu ví dụ, một miếng đất làm tài sản đảm bảo cho khoản vay trị giá 100 tỷ đồng. Sau thời gian nhất định, giá theo thị trường giảm xuống còn 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, thủ tục khi rao bán nợ là phải bán bằng giá thế chấp, sau đó mới bắt đầu giảm giá dần để đảm bảo quyền lợi người vay.
Nói với Dân trí, nhân viên tại một công ty chuyên đấu giá tài sản cho biết những tài sản "ế" khách chủ yếu có giá cao. Nguyên tắc các công ty là vẫn phải niêm yết giá cao, sau đó hạ dần. Theo người này, đây cũng là cách lọc được khách hàng tiềm năng quan tâm đến tài sản.
Về việc nhiều tài sản ngân hàng rao bán nợ vẫn không có người hỏi mua, người này cho rằng những người dân thường mặc định thủ tục mua bán các sản phẩm này rườm rà nên ngại mua, chưa kể tâm lý sẽ không có được may mắn nếu dùng đồ từ chủ cũ không có khả năng trả nợ.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố cho hay, tại thời điểm cuối năm 2022, nợ xấu nội bảng của các ngân hàng là 1,92%. Nợ xấu đến cuối năm 2022 có chiều hướng gia tăng tại một số nhà băng như Viet Capital Bank, LienVietPostBank, VIB, Saigonbank, GPBank, VietBank, SHB, Eximbank, VPBank…