Ngân hàng cần làm gì để giữ "ngôi vương" trong cuộc đua số hóa?

An Chi

(Dân trí) - Ngoài cạnh tranh với công ty fintech, các ngân hàng cần phải tự chuyển đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh để không bị bỏ lại trong cuộc đua số hóa.

Ngân hàng và fintech, đối thủ hay đối tác?

Tại tọa đàm "Thấu hiểu khách hàng để mang đến trải nghiệm vượt trội" do báo Dân trí tổ chức ngày 14/1, ông Vũ Tất Thành - chuyên gia công nghệ - cho rằng, với ưu điểm về chi phí thấp, tiện ích, dịch vụ đa dạng, các công ty fintech đang là đối thủ đáng gờm của ngân hàng truyền thống. Vì các công ty fintech có cách thu hút khách hàng mới, ra sản phẩm nhanh hơn và đạt lượng khách hàng mới với tốc độ cao hơn với chi phí tối ưu.

"Nguyên nhân có thể đến từ việc công ty fintech có công nghệ hiện đại và ít bị ràng buộc như các ngân hàng. Hơn nữa, những chính sách liên quan, quản lý ở công ty Fintech buộc ngân hàng tuân thủ theo nhiều hơn, làm ngân hàng khó có nhiều tự do", ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Thành, ngân hàng không cần quá lo ngại vì các công ty fintech có số lượng, chất lượng về tập khách hàng không tốt bằng ngân hàng nếu tính về tỷ lệ doanh thu, lợi nhuận trên đầu khách hàng. Vì ngân hàng hoạt động trên sự tin tưởng, họ ra đời lâu năm, lâu đời sẽ tạo sự tin tưởng tốt hơn.

Trong tương lai, ngân hàng ngân hàng và công ty fintech có thể kết hợp với nhau. Trong đó, có thể ngân hàng sẽ tự chuyển đổi mình hoặc hợp tác với các công ty fintech.

Ngân hàng cần làm gì để giữ ngôi vương trong cuộc đua số hóa? - 1

Ông Vũ Tất Thành - Chuyên gia công nghệ (Ảnh: H.N).

Đồng quan điểm, ông Lê Đăng Doanh - Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, công ty fintech và ngân hàng số vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với nhau. Vì nhu cầu kinh tế của xã hội cần cả 2 loại hình. Fintech không thay được ngân hàng số nhưng có thể bổ sung được rất nhiều chức năng cho ngân hàng số.

"Tôi nghĩ rằng, cuộc cạnh tranh sẽ tiếp diễn, có thể có sự trùng lặp nhưng sẽ có một số ngân hàng nếu không tiến kịp sẽ phải rút lui khỏi cuộc", ông nhấn mạnh.

Để theo kịp cuộc đua chuyển đổi số, hiện nay, các ngân hàng đã chuyển dịch mạnh mẽ từ ngân hàng truyền thống sang Mobile banking, Internet banking, đến nay là ngân hàng số. Tức là mọi người có thể tiếp cận các dịch vụ qua điện thoại di động, qua internet và thực hiện được toàn bộ dịch vụ mà không cần đến ngân hàng trực tiếp. Thậm chí, mọi người ở nước ngoài cũng có thể vẫn kiểm soát được tài khoản của mình.

Ngân hàng cần làm gì trong cuộc đua số hóa?

Theo ông Lê Đăng Doanh, cuộc đua số hóa không chỉ diễn ra ở các ngân hàng trong nước mà với cả các ngân hàng nước ngoài, điển hình là Hàn Quốc. Nhưng muốn số hóa thành công, ngân hàng cần thực hiện một số điều như: Bảo đảm sự an toàn, bảo mật; Nâng cao trình độ của nhân viên ngân hàng.

"Xét về vai trò của Nhà nước, cần tạo khung pháp lý. Ví dụ như chữ ký số đã có khung pháp lý chưa, giao dịch đã bảo đảm chưa? Tôi rất mong khung pháp lý của Việt Nam sẽ hoàn thiện trong thời gian tới để giao dịch số của Việt Nam được an toàn và khung pháp lý hoàn chỉnh", ông Doanh nêu quan điểm.

Ngân hàng cần làm gì để giữ ngôi vương trong cuộc đua số hóa? - 2

Ông Lê Đăng Doanh - Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: H.N).

Đồng quan điểm, ông Vũ Tất Thành cho rằng, để chuyển đổi số thành công và xây dựng được hệ sinh thái số cần giải quyết nhiều thách thức. Trong đó, phải kể đến là sự chấp nhận khách hàng trong thay đổi hành vi thói quen, sử dụng dịch vụ.

"2 năm gần đây, tại sao chúng ta có sự phát triển nhanh và sử dụng dịch vụ số nhiều là do tác động của thời gian giãn cách xã hội và tác động của dịch Covid-19. Đây chính là cú hích để khách hàng thay đổi thói quen và khiến khách dễ chấp nhận hơn việc mua sắm online, thương mại điện tử. Khi mua sắm online nhiều, thương mại điện tử nhiều sẽ kéo theo thanh toán online, dịch vụ ngân hàng số, giúp thay đổi hành vi người sử dụng", ông nói.

Thứ hai, theo ông, để có thể cung cấp cho xã hội, cho khách hàng những dịch vụ đa tiện ích, cần có sự kết nối dễ dàng thuận lợi, liên thông ngành ngân hàng và các ngành cung cấp dịch vụ khác. Từ đó, cần có cái chuẩn về kết nối hạ tầng kỹ thuật để giúp cho sự tích hợp đó dễ dàng. Và đây cũng thách thức cần giải quyết.

Thứ ba, quan trọng nhất cần có vai trò quan của Chính phủ trong việc tạo ra khung pháp lý rõ ràng.

Trong đó, vai trò chính phủ là quan trọng nhất. Chính phủ luôn cần đi trước, định hướng, tạo ra chính sách để hỗ trợ, giúp cho một ngành nào đấy nói chung và ngành ngân hàng trong lĩnh vực chuyển đổi số phát triển.

Khi Chính phủ thể hiện vai trò của mình, có những công việc, dự án, chỉ có Chính phủ làm được và tạo ra những môi trường pháp lý rõ ràng, phù hợp với thực tiễn của ngân hàng. Như cần làm rõ các giao dịch dân sự sử dụng công nghệ.

Nói về mặt tích cực của ngân hàng, ông Thành cho rằng, các ngân hàng đã đổi mới, sáng tạo và làm tốt nhiệm vụ của mình trong suốt 2 năm qua với sự ảnh hưởng, tác động nặng nề của dịch Covid-19. Chứng tỏ, ngân hàng có chuẩn bị tốt cho hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong giai đoạn vừa qua.

"Theo suy nghĩ của tôi, hướng tới tương lai, ngân hàng hiểu được người  dùng của mình đến mức độ cung cấp dịch vụ mọi lúc mọi nơi, đó là nhu cầu đầu tiên của người sử dụng. Khi hiểu rõ nhu cầu khách hàng và câu chuyện sử dụng chi tiêu của khách hàng. Từ đó, ngân hàng gợi ý chi tiêu như thế nào, gợi ý sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu của tôi, dựa trên hiểu biết đó thì mang tính cá nhân hóa cho khách hàng sẽ tốt hơn nữa", ông phân tích.

Theo ông, trong tương lai, ngân hàng sẽ hướng tới như chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, tư vấn về chi tiêu, kế hoạch tài chính. Những dịch vụ này, cùng với công cuộc áp dụng công nghệ như là dữ liệu lớn AI, Big data thì ngân hàng có thể cung cấp mọi đối tượng khách hàng của ngân hàng, không chỉ là nhóm đối tượng khách hàng ưu tiên. Và tất cả dịch vụ này có thể cung cấp tự động kênh số của ngân hàng.