1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giá dầu tăng vọt sau loạt động thái mới

Nhật Linh

(Dân trí) - Giá dầu thế giới đã tăng gần 2% trong phiên giao dịch đầu tuần sau khi OPEC+ giữ nguyên sản lượng trước thềm lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU và áp giá trần dầu Nga ở mức 60 USD/thùng.

Trong khi đó, cuối tuần qua, Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19, một tín hiệu tích cực đối với nhu cầu nhiên liệu.

Sáng nay, dầu Brent được giao dịch ở mức 87,41 USD/thùng, tăng 1,84 USD, tương đương tăng 2,2%. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,64 USD, tương đương 2%, lên mức 81,62 USD/thùng.

Giá dầu tăng vọt sau loạt động thái mới - 1

OPEC+ quyết định giữ nguyên sản lượng trước lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU và việc áp giá trần dầu Nga ở mức 60 USD/thùng (Ảnh: Reuters).

Hôm qua (4/12), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và liên minh bao gồm Nga, đã thống nhất giữ nguyên kế hoạch sản lượng đã đưa ra trong cuộc họp tháng 10 vừa qua là cắt giảm 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11 đến năm 2023.

Các nhà phân tích cho rằng quyết định này của OPEC+ được cho là để các nhà sản xuất dầu có thêm thời gian xem xét những tác động của một loạt động thái mới đây, bao gồm lệnh cấm của EU, việc áp trần giá của G7 và đe dọa cắt giảm sản lượng của Nga.

Hôm nay (5/12), lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của EU bắt đầu có hiệu lực. Cùng lúc, EU và các nước G7 đã nhất trí áp giá trần đối với dầu Nga ở mức 60 USD/thùng. Theo cơ chế trần giá này, các công ty bảo hiểm, tổ chức tín dụng cũng như tàu chở dầu của G7 và EU chỉ được phép cung cấp dịch vụ vận chuyển dầu Nga nếu nó được mua bằng hoặc thấp hơn giá trần.

Phản ứng về động thái này, Nga - nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới - hôm qua đã tuyên bố không chấp nhận mức giá trần trên và sẽ không bán dầu cho bất kỳ nước nào áp dụng mức giá đó, thậm chí nước này còn đe dọa cắt giảm sản lượng.

Giá dầu của Nga đang được giao dịch ở mức khoảng 67 USD/thùng. Mức giá trần 60 USD/thùng, không cao hơn nhiều so với mức giá thực tế, sẽ được xem xét 2 tháng/lần. Lần xem xét tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 1/2023.

Trong một lưu ý với khách hàng, các nhà phân tích của ANZ cũng cho rằng, quyết định của OPEC+ cho thấy cung cầu của thị trường trong những tháng tới rất khó dự đoán.

Phó chủ tịch Wood Mackenzie Ann-Louise Hittle cho rằng, Liên minh châu Âu cần thay thế dầu Nga bằng dầu từ Trung Đông, Tây Phi và Mỹ. Điều này sẽ đặt ra mức sàn cho giá dầu ít nhất là trong ngắn hạn.

"Giá hiện đang bị đè nặng bởi kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu về dầu chậm lại, bất chấp lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU và mức giá trần của G7. Việc điều chỉnh lệnh cấm của EU và việc áp trần giá chỉ có thể hỗ trợ giá tạm thời", bà Hittle khẳng định.

Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nhu cầu là chính sách zero-Covid của Trung Quốc, nhưng hiện chính sách này dường như đang được nới lỏng.

Bà Hittle cũng cho biết thêm, lệnh cấm vận sắp tới của EU đối với các sản phẩm dầu của Nga, ngoài dầu thô, có hiệu lực từ 5/2, sẽ củng cố nhu cầu dầu trong quý I/2023 do thị trường thiếu hụt dầu diesel và dầu sưởi.