Nga nói chuyển hướng thành công xuất khẩu dầu thô sang các nước thân thiện

Nhật Linh

(Dân trí) - Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cho biết nước này đã chuyển hướng thành công mọi hoạt động xuất khẩu dầu thô bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây sang các nước "thân thiện".

Phát biểu tại một diễn đàn năng lượng mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Nga tuyên bố: "Hôm nay tôi có thể nói rằng chúng tôi đã hoàn tất việc chuyển hướng toàn bộ lượng dầu xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận. Doanh số bán dầu không hề giảm".

Nga đang nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ và sản phẩm dầu từ các thị trường truyền thống ở châu Âu sang châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và Trung Đông.

Trong đó, Ấn Độ là khách hàng lớn nhất mua dầu Urals của Nga trong tháng 3. Các chuyến hàng đến nước này chiếm hơn 50% sản lượng xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga. Trung Quốc đứng thứ 2 trong số khách hàng nhập khẩu dầu Nga nhiều nhất.

Trước đó, Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết doanh số bán dầu của Nga sang Ấn Độ đã tăng gấp 22 lần vào năm ngoái, nhưng ông không nói rõ khối lượng đã bán cho Ấn Độ là bao nhiêu.

Theo ông Novak, doanh thu năng lượng chiếm 42% ngân sách liên bang của Nga vào năm 2022, tăng từ 36% vào năm 2021. Ông cho biết ngành năng lượng của Nga vẫn bền vững, bất chấp thách thức từ lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ông cho biết Nga sẽ tập trung vào việc thúc đẩy xuất khẩu năng lượng sang các quốc gia "thân thiện" và sẽ tiếp tục phát triển các công cụ bảo hiểm cần thiết để hỗ trợ thương mại này.

Phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt trên diện rộng, bao gồm cả lệnh cấm vận đối với dầu thô Nga nhập khẩu bằng đường biển, sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

Dưới áp lực từ các biện pháp của phương Tây cũng như thiếu vắng người mua từ châu Âu, theo ông Shulginov, sản lượng dầu và khí đốt của Nga dự kiến sẽ giảm trong năm nay.

Chia sẻ tại sự kiện trên, ông Alexander Dyukov - CEO của tập đoàn dầu mỏ Gazprom Neft - cũng cho biết năm 2023 sẽ khó khăn hơn 2022 và áp lực từ các biện pháp trừng phạt sẽ tăng lên.

Theo Reuters