Đức vẫn là khách hàng mua năng lượng lớn thứ 2 của Nga

Nhật Linh

(Dân trí) - Một năm kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga vẫn đang chảy đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo ước tính từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), kể từ khi cuộc chiến nổ ra vào khoảng một năm trước, Nga đã kiếm được hơn 315 tỷ USD doanh thu từ việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch cho các nước trên khắp thế giới. Trong đó, gần một nửa, tức khoảng 149 tỷ USD, đến từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Đức vẫn là khách hàng mua năng lượng lớn thứ 2 của Nga - 1

Nga đã kiếm được hơn 315 tỷ USD doanh thu từ việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch cho các nước trên khắp thế giới (Ảnh: Bloomberg).

Đúng như dự đoán, kể từ sau chiến sự, Trung Quốc đã trở thành khách hàng mua nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của Nga. Quốc gia láng giềng của Nga chủ yếu nhập khẩu dầu thô, chiếm hơn 80% trong tổng lượng nhập khẩu trị giá hơn 55 tỷ USD của nước này kể từ tháng cuối tháng 2 năm ngoái.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là khách hàng nhập khẩu lớn thứ 2 của nhiên liệu Nga, do phần lớn nước này nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga. Riêng giá trị nhập khẩu khí đốt từ Nga của Đức đã lên hơn 12 tỷ USD.

Đứng thứ 3 là Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, do Thổ Nhĩ Kỳ không thuộc EU, không chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của khối này, nên có khả năng quốc gia này sẽ sớm vượt Đức về nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Mặc dù hơn một nửa trong top 20 quốc gia nhập khẩu nhiên liệu hàng đầu của Nga vẫn từ EU, song nhiều quốc gia ở khu vực này đã cắt giảm đáng kể nhập khẩu nhiên liệu từ Nga do tác động từ lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển cũng như cơ chế giá trần đối với than, dầu thô vận chuyển bằng đường biển và các sản phẩm xăng dầu.

Các lệnh cấm này đã khiến Nga sụt giảm gần 85% doanh thu bán nhiên liệu hàng ngày cho khối này, từ mức 774 triệu USD/ngày vào tháng 3/2022 xuống còn 119 triệu USD/ngày vào ngày 22/2 năm nay.

Mặc dù, trong thời gian này, Ấn Độ đã tăng cường nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga, tăng từ 3 triệu USD/ngày trước chiến sự lên 81 triệu USD/ngày vào ngày 22/2, song mức tăng này không đủ bù đắp được khoản hụt thu 655 triệu USD do các quốc gia EU giảm nhập khẩu.

Tương tự, ngay cả khi các quốc gia châu Phi tăng gấp đôi nhập khẩu nhiên liệu từ Nga kể từ tháng 12 năm ngoái, thì theo S&P Global, kể từ tháng 1, xuất khẩu dầu qua đường biển của Nga vẫn giảm 21%.

Nhìn chung, so với mức đỉnh cao khoảng 1,17 tỷ USD doanh thu mỗi ngày vào ngày 24/3 năm ngoái, thì hiện doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga đã giảm hơn 50% xuống chỉ còn 560 triệu USD/ngày.

Cùng với việc EU cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga, một nhân tố chính góp phần khiến Nga hụt thu là giá dầu của Nga đã giảm gần 50% kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, từ mức 99 USD/thùng, hiện còn 50 USD/thùng.

Chưa rõ liệu doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga còn tiếp tục giảm hay không nhưng gói trừng phạt thứ 10 mà EU công bố vào ngày 25/2, bao gồm cấm nhập khẩu nhựa đường và các vật liệu liên quan như cao su tổng hợp, muội than, ước tính sẽ làm tổng doanh thu xuất khẩu của Nga giảm gần 1,4 tỷ USD.

Theo Oil Price