EU cấm vận dầu Nga đã thay đổi dòng dầu thô ra sao?

Nhật Linh

(Dân trí) - Sau khi EU thi hành lệnh cấm nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga, lượng dầu của nước này đến châu Âu đã giảm mạnh.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Quốc tế (IEA), dầu thô xuất khẩu của Nga tới châu Âu đã giảm mạnh trong tháng 1, từ mức 1 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2022 xuống còn khoảng 600.000 thùng/ngày, do khối lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển cạn kiệt, ngoại trừ từ Bulgaria.

EU đã áp lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển kể từ ngày 5/12. Cùng ngày, G7 cũng công bố áp giá trần đối với dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng nhằm thu hẹp nguồn thu của Moscow sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra.

Bulgaria được miễn trừ khỏi lệnh cấm trong 2 năm.

EU cấm vận dầu Nga đã thay đổi dòng dầu thô ra sao? - 1

Dầu Nga nhập khẩu vào châu Âu đã giảm mạnh (Ảnh: Getty).

Dầu Nga chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á

Để bù đắp tổn thất trong thương mại với EU, Nga đã đẩy mạnh xuất khẩu dầu sang châu Á. Trong báo cáo công bố ngày 15/2, IEA cho biết, xuất khẩu dầu thô từ Nga đến Trung Quốc đã tăng 300.000 thùng/ngày lên mức cao kỷ lục khoảng 2,3 triệu thùng/ngày.

Xuất khẩu dầu sang Ấn Độ của Nga cũng tiếp tục ổn định ở mức 1,6 triệu thùng/ngày sau khi tăng đáng kể trong năm ngoái.

Ghana, Indonesia cũng nổi lên như một điểm đến mới của dầu Nga trong tháng 1, theo IEA.

Trong khi đó, xuất khẩu dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ đã hồi phục từ mức thấp 40.000 thùng/ngày trong tháng 12/2022 lên mức 180.000 thùng/ngày trong tháng 1, mặc dù mức này vẫn thấp hơn so với mức trung bình 350.000 thùng/ngày trước đó.

EU đã thay thế dầu Nga như thế nào?

Để thay thế dầu Nga, theo IEA, EU đã tăng cường mua dầu từ Trung Đông, Tây Phi, Na Uy, Brazil và Guyana.

Trong tháng 12 năm ngoái, Na Uy đã tăng công suất sản xuất của mỏ dầu Johan Sverdrup từ mức 535.000 thùng/ngày lên 720.000 thùng/ngày. Công ty điều hành mỏ này là Equinor đang xem xét khả năng tăng công suất lên 755.000 thùng/ngày. Sverdrup là mỏ dầu lớn nhất Tây Âu, sản xuất dầu thô nặng trung bình, rất phù hợp để thay thế cho dầu Urals của Nga.

Do không giáp biển nên Hungary đang có kế hoạch hợp tác với Croatia để tăng công suất nhập khẩu dầu qua đường ống Adriatic để đưa dầu từ những nguồn cung ngoài Nga vào Hungary. Trong khi đó, Bulgaria vẫn đang tìm cách khôi phục dự án đường ống nhập khẩu dầu qua Hy Lạp.

Tác động đến các nhà máy lọc dầu ở châu Âu

Việc EU phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô Nga còn đến từ việc các công ty năng lượng Nga như Rosneft và Lukoil nắm quyền kiểm soát nhiều nhà máy lọc dầu lớn nhất của khối này.

Tuy nhiên, năm ngoái, sau khi chiến sự nổ ra, Đức đã giành quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu Schwedt, thuộc sở hữu của Rosneft. Nhà máy này cung cấp khoảng 90% nhu cầu nhiên liệu của Berlin. Ngoài ra, Rosneft còn nắm cổ phần thiểu số tại hai nhà máy lọc dầu khác là MiRo và Bayernoil.

Chính phủ Đức đang có kế hoạch thay đổi luật để cho phép mua nhanh 54,17% cổ phần do Rosneft nắm giữ ở nhà máy lọc dầu Schewedt mà không cần quốc hữu hóa.

Nhà máy lọc dầu này hiện đang vận hành với 60% công suất bằng loại dầu mà Đức nhập khẩu qua cảng Rostock. Chính phủ Đức cũng đang tìm cách bổ sung lượng dầu cho nhà máy này bằng dầu nhập khẩu qua cảng Gdansk của Ba Lan.

Lukoil cũng đã đồng ý bán nhà máy lọc dầu ISAB của họ ở Italy cho một tập đoàn do G.O.I Energy của Síp sở hữu. Nhưng tập đoàn năng lượng tư nhân lớn nhất của Nga hiện vẫn sở hữu các nhà máy lọc dầu ở Bulgaria và Romania.

Quốc hội Bulgaria đã dọn đường cho chính phủ nước này tiếp quản nhà máy lọc dầu lớn nhất nước này là Neftochim Burgas của Lukoil, nhằm đảm bảo an ninh nguồn cung khi cần thiết.

Nguồn cung qua đường ống "Tình bạn"

Mặc dù EU đã áp lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển kể từ ngày 5/12 năm ngoái, song họ vẫn cho phép nhập dầu thô từ Nga qua đường ống.

Đường ống dẫn dầu Druzhba (tiếng Nga là tình bạn) có một nhánh chạy qua Belarus và Ba Lan để tới Đức và một nhánh khác chạy qua Ukraine tới Slovakia, Cộng hòa Séc và Hungary.

Tuy nhiên, theo dữ liệu từ IEA, lượng dầu chảy qua đường ống này trong tháng 1 đã giảm xuống còn 400.000 thùng/ngày do Đức chủ động đình chỉ việc nhập khẩu qua đường ống này kể từ cuối năm ngoái.

Mới đây, phía nhà máy lọc dầu PKN Orlen của Ba Lan cũng cho biết, Nga cũng đã ngừng cung cấp dầu cho họ qua đường ống này. Nhà điều hành của đường ống Druzhba là Transneft cho rằng lý do là do thủ tục giấy tờ chưa hoàn tất.

Slovakia, vốn phụ thuộc gần 100% vào nguồn nhập khẩu dầu thô qua đường ống Druzhba, cũng đang có kế hoạch cắt giảm phụ thuộc xuống khoảng 60% trong năm nay.

Đức đã lên kế hoạch bắt đầu nhập khẩu dầu thô từ Kazakhstan qua chặng phía bắc của đường ống Druzhba từ tháng 2, nhưng các cuộc đàm phán chi tiết cuối cùng đã khiến thời điểm bắt đầu hoãn lại.

Kazakhstan đã yêu cầu nhà điều hành Druzhba Transneft cung cấp năng lực vận chuyển khoảng 24.000 thùng/ngày cho năm 2023. Nước này cho biết họ đã bắt đầu thu gom dầu cho các lô hàng để vận chuyển cho khách.

Theo Reuters