“Nếu Sabeco, Habeco không kịp niêm yết, Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm!”

(Dân trí) - Trước câu trả lời của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng với Dân Trí về việc có thể không kịp niêm yết Sabeco và Habeco trong năm 2016, người phát ngôn Chính phủ cho biết, nếu trường hợp này xảy ra, Bộ Công Thương sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ đang diễn ra chiều nay (4/10) tại Hà Nội, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đã nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc đốc thúc, triển khai đưa Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) niêm yết trên thị trường chứng khoán trong năm 2016 này.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Công Thương sẽ phải chịu trách nhiệm nếu Sabeco và Habeco chậm niêm yết, trong khi Bộ Công Thương nhìn nhận nhiệm vụ này rất khó khăn (ảnh: VGP)
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Công Thương sẽ phải chịu trách nhiệm nếu Sabeco và Habeco chậm niêm yết, trong khi Bộ Công Thương nhìn nhận nhiệm vụ này rất khó khăn (ảnh: VGP)

Theo ông Vượng, mặc dù Bộ Công Thương kỳ vọng ngay trong năm nay có thể đưa hai doanh nghiệp này “lên sàn”, tuy nhiên, trên thực tế, việc niêm yết doanh nghiệp phải qua nhiều thủ tục và tốn kém thời gian (lên tới 12-14 tuần). Trong khi đó, từ nay đến hết năm còn 3 tháng mà Sabeco và nhà đầu tư chiến lược là Carlsberg vẫn đang có một số vấn đề vướng mắc cần giải quyết.

“Khả năng lên sàn của hai doanh nghiệp ngay trong năm nay là rất khó khăn”, Thứ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận”, song khẳng định “nếu chậm thì cũng phải trong quý I/2017, Sabeco và Habeco sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán”.

Trước câu trả lời của đại diện Bộ Công Thương, người phát ngôn Chính phủ - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là “cương quyết sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước”.

Quan điểm nhất quán là thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước một cách trung thực, công khai. Việc bán vốn dứt khoát phải thông qua đấu giá, không bán chỉ định cho một nhà đầu tư nào, không bán giới hạn, không có lợi ích nhóm và mục tiêu là mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước Việt Nam. “Tóm lại, ai có tiền, trả giá cao nhất thì người đó mua”, ông Dũng cho biết.

Việc niêm yết doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán nhằm mục đích giúp nhà đầu tư cũng như các cơ quan tư vấn có cơ sở tham chiếu về giá.

Riêng trường hợp của Sabeco và Habeco chưa niêm yết sau hơn 8 năm cổ phần hóa, ông Mai Tiến Dũng nói: “doanh nghiệp lên sàn chậm là lỗi của doanh nghiệp vì mặc dù đã cổ phần hóa lâu rồi nhưng không chịu niêm yết”.

“Thủ tướng đã giao cho hai doanh nghiệp này phải niêm yết trên sàn chứng khoán ngay trong năm 2016. Nếu chậm thì cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm”, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.

Nhắc lại câu nói của Thủ tướng: “Chính phủ không cần phải đi bán bia, bán sữa”, ông Mai Tiến Dũng cũng thông báo, cuối tháng 10 này, các cơ quan chức năng sẽ tham mưu Thủ tướng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về nội dung bán vốn Nhà nước khỏi doanh nghiệp, có sự tham gia của báo chí. Theo đó, nguồn lực thu được từ hoạt động này sẽ được dành cho đầu tư cho phát triển, phục vụ tăng trưởng và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng giai đoạn 2016-2020.

Được biết, chiều ngày 28/9, tại Bộ Công Thương đã diễn ra cuộc họp Tổ công tác riêng về niêm yết và bán vốn Nhà nước tại hai “ông lớn” ngành bia và các thông tin đưa ra từ cuộc họp này cho thấy, Bộ Công Thương vẫn đang loay hoay với các phương án bán vốn.

Trước đó, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này sẽ thực hiện thoái toàn bộ gần 82% vốn Nhà nước đang nắm giữ tại Habeco ngay trong năm 2016, dự kiến thu về 9.000 tỷ đồng. Đồng thời, thoái vốn đợt 1 với tỉ lệ 53,59% vốn, tương đương 24.000 tỷ đồng trong năm 2016. Việc niêm yết được hoàn thành trước khi thoái vốn.

Về câu hỏi của Dân Trí liên quan đến vụ việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, đại diện Bộ Công Thương cho biết, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, trước 1/11, Bộ Công Thương phải có báo cáo giải trình lên Thủ tướng. Như vậy, cơ quan này vẫn còn 1 tháng để rà soát và sẽ thực hiện một cách trung thực, khách quan, cầu thị.

Bích Diệp