Bộ Công Thương "loay hoay" tìm cách bán vốn tại Habeco, Sabeco
(Dân trí) - Có thể thấy, tại thời điểm này dường như cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương vẫn đang “loay hoay” tìm phương án bán vốn hiệu quả nhất với các doanh nghiệp lớn trong ngành bia.
Theo nguồn tin của Dân trí, chiều ngày 28/9, tại Bộ Công Thương đã diễn ra cuộc họp Tổ công tác riêng về niêm yết và bán vốn Nhà nước tại 2 “ông lớn” trong ngành bia là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Một vị lãnh đạo tham gia dự họp cho biết: “Nội dung cuộc họp chủ yếu xoay quanh vấn đề sẽ niêm yết và bán vốn như thế nào để định giá chính xác, không mất vốn và đảm bảo lợi ích tối đa cho Nhà nước. Tổ công tác cũng phân công nhau tìm hiểu kinh nghiệm cổ phần hoá của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước về vấn đề này”.
Điều này có thể thấy, dường như cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương vẫn đang “loay hoay” tìm phương án bán vốn hiệu quả nhất với các doanh nghiệp lớn trong ngành bia. Cũng cần nói thêm rằng, đây không phải là riêng câu chuyện tại thời điểm này mà là câu chuyện của gần 10 năm nay diễn ra tại nhiều doanh nghiệp Nhà nước.
Riêng đối với trường hợp các doanh nghiệp ngành bia, theo một lãnh đạo của Sabeco, trong các phương án được đưa ra, có tính tới khả năng Sabeco sẽ được chia ra bán thành nhiều đợt theo lộ trình giống trường hợp của Vinamilk.
“Việc chia nhỏ bán sẽ đảm bảo được 2 vấn đề là Nhà nước vẫn thu được tiền và Sabeco vẫn có thể tồn tại được, không lo bị thâu tóm dẫn đến mất thương hiệu. Thêm vào đó, với lượng bán ra từ từ thì thị trường còn có thể hấp thụ được, chứ nếu bán ra ồ ạt 40.000 - 50.000 tỷ đồng một lúc thì khó “trôi” hơn. Tuy nhiên, mọi thứ mới chỉ là dự tính, chưa thống nhất một phương án nào”, vị này cho hay.
Trên thực tế, đối với câu chuyện bán các doanh nghiệp lớn trong ngành bia, đặc biệt là Sabeco thì nhiều lo ngại đặt ra về việc có mất thương hiệu khi vào tay nước ngoài hay việc niêm yết trước khi bán có phải là phương án tối ưu? Đó cũng chính là lý do khiến Bộ Công Thương nhiều lần "đặt lên hạ xuống” cân nhắc khi quyết định thoái vốn khỏi các doanh nghiệp này.
Một chuyên gia trong ngành bia phân tích: “Do bản chất đầu tư khác nhau, các hãng bia khi thâu tóm một doanh nghiệp khác sẽ có những lí do khác nhau. Nếu nói họ xóa sổ thương hiệu cũng không đúng mà phát triển thương hiệu nội địa cũng không phải. Bản chất đúng là không ai đi xóa sổ những “con gà đẻ trứng vàng”, tuy nhiên không loại trừ đến mục đích chính là chiếm lĩnh hệ thống phân phối, hệ thống bán lẻ để dần dần đưa bia của họ vào”.
"Họ sẽ tận dụng hệ thống phân phối của Sabeco, Habeco để đưa các loại sản phẩm của họ vào. Họ có cái máy kiếm tiền là các sản phẩm Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội để nuôi cho việc kinh doanh các sản phẩm khác. Trường hợp này cũng diễn ra với Unilever khi họ mua lại kem đánh răng PS, họ không xóa nó đi nhưng lại đưa thêm kem Close Up vào thị trường”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, ở góc độ khác nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước không phải là quá khó, vấn đề là cổ phần hóa đến mức nào? Và muốn cổ phần hóa thành công, và nhanh cần phải tạo cơ chế mở, xóa đi những cản trở quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước liên quan đến vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp cũng như việc chọn đối tác chiến lược.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), sau khi Sabeco và Habeco niêm yết thì việc mất hay không mất thương hiệu Việt tại các công ty niêm yết sẽ nằm ở điều lệ công ty khi niêm yết và các quy định về giao dịch của các bên liên quan, chứ không phụ thuộc vào việc cho phép nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia đấu giá trên thị trường niêm yết.
"Sẽ chẳng có nhà đầu tư nào bỏ tiền để cùng sở hữu thương hiệu đang được khai thác hiệu quả nhằm làm chết thương hiệu ấy đi cả, trừ những nhà đầu tư họ đang sở hữu các thương hiệu cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp họ đầu tư vào nhằm chiếm dụng kênh phân phối để phân phối sản phẩm của họ. Để chống lại trường hợp này ta cần quy định trong điều lệ và vận dụng tốt các quy định về giao dịch của các bên liên quan là có thể kiểm soát tốt không thể xảy ra trường hợp này", ông Hưng bình luận.
Còn về phương án niêm yết để xác định giá trị doanh nghiệp theo thị trường rồi mới bán cũng có nhiều ý kiến nhận định trái chiều. Một phía thì cho rằng, việc này sẽ đảm bảo việc công khai, minh bạch và loại bỏ được yếu tố lợi ích nhóm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng với tỷ lệ nắm giữ của nhà nước và cổ đông lớn tại Sabeco lên tới 95%. Do đó, lượng cổ phiếu ngoài thị trường khá cô đặc nên có thể xảy ra trường hợp “dìm giá” và nếu dựa vào mức giá này để bán thì sẽ không đảm bảo lợi ích của Nhà nước.
Ở góc nhìn khá trung lập, khi được hỏi về vấn đề này, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng, đây là giải pháp hợp lý trong bối cảnh hiện nay nhưng cũng chỉ là yếu tố tham khảo, không phải là yếu tố quyết định đến giá cổ phần.
Phương Dung